Tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách thức quản lý, làm việc; tăng cường đối thoại, với các Hiệp hội, doanh nghiệp, người dân

07/08/2023 - 21:04
(Bankviet.com) Một trong các kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ năm ngày 19/7/2023 được nêu trong thông báo do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khẩn trương chủ động thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ ra các vấn đề vướng mắc, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý theo thời hạn cụ thể.

Rà soát lại TTHC ở các cấp, tập trung vào các vướng mắc hiện nay ở các lĩnh vực như: nhà ở, tiếp cận tín dụng, điện năng, thuế, đất đai, hải quan, giao thông vận tải… các thủ tục liên quan đến 03 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Cải cách TTHC có trọng tâm, trọng điểm, dứt đểm, đến cùng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, xử lý nghiêm những trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước; động viên, khuyến khích kịp thời cán bộ, công chức dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu các thành viên của Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các cấp coi cải CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chuẩn để đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với cán bộ, công chức.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai kết luận của Phiên họp xuống cấp cơ sở; đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét tình hình, chuyển biến thực tế để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; triển khai thực hiện có kết quả nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC, kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2023 của bộ, ngành, địa phương mình; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ.

Tiếp tục rà soát, đổi mới phương thức, cách thức quản lý, làm việc; tăng cường đối thoại, nhất là đối thoại với các Hiệp hội, doanh nghiệp, người dân; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Yêu cầu, các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài Chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện ngay trong tháng 8/2023.

Đẩy mạnh thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương theo quy định.

Khẩn trương triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách TTHC trong cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các văn bản: Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023, Công văn số 493/TTg-KSTT ngày 01/6/2023, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 và Công điện số 644/CĐ-TTg ngày 13/7/2023.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ duy trì, cải thiện, nâng cấp Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp. Trong thực thi công vụ phải triệt để tuân thủ nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì mà luật không cấm; cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền không được tự ý đặt thêm các quy định làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và tương đương, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2023. Thực hiện có hiệu quả quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 về tinh giản biên chế; cơ cấu lại theo vị trí việc làm…

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp lại số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ.

Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để triển khai có hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); triển khai có kết quả Đề án 06.

Tăng cường truyền thông chính sách, bảo đảm 100% chính sách có tác động lớn phải được tổ chức truyền thông theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất những biện pháp, giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra CCHC tại bộ, ngành, địa phương để kịp thời xem xét, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nghiên cứu, nhân rộng sáng kiến phân cấp, phân quyền ở các địa phương làm tốt trên toàn quốc.

Hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến.

Hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quy định về việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, cấp huyện.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nâng cấp, hoàn thiện các chức năng, kết nối, liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, vận hành có hiệu quả Cổng dịch vụ công quốc gia, đáp ứng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức một cách kịp thời, thuận tiện và hiệu quả, hoàn thành trước 30/9/2023.

Nâng cấp, hoàn thiện Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động kinh doanh và cơ quan nhà nước tham vấn chính sách.

Rà soát, đề xuất các giải pháp cụ thể mang tính đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hoàn thành trước 15/8/2023.

Bộ Tư pháp thẩm định chặt chẽ quy định TTHC trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chú trọng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách TTHC cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp chế tại các bộ, ngành, địa phương.

Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.

Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định việc ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo đảm các nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021, hoàn thành trong tháng 8 năm 2023; trình Chính phủ Nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo Cơ chế một cửa quốc gia, xây dựng cửa khẩu thông minh, chậm nhất trong tháng 12 năm 2023.

Tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, kiên quyết, kiên trì tiết kiệm chi, chống thất thu; thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… đã ban hành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ về pháp lý, về TTHC liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng, giảm lãi suất, gói tín dụng ưu tiên… phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công an nâng cấp hệ thống đường truyền, hạ tầng công nghệ bảo đảm việc cấp thị thực điện tử thông suốt; khẩn trương thực hiện mở rộng việc miễn thị thực cho công dân những nước là đối tác, bạn bè truyền thống…

Phối hợp với các bộ, ngành xác thực, cập nhật, làm sạch dữ liệu và kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ tra cứu, giải quyết TTHC, đặc biệt là đối với các địa phương chưa thực hiện kết nối.

Bộ Công Thương khẩn trương hướng dẫn các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, mua bán điện theo hướng khuyến khích, tạo thuận lợi, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 về quản lý lao động nước ngoài trước ngày 05/8/2023; xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề chất lượng cao trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2023 theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về đất đai, môi trường, tài nguyên; rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm các TTHC về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tránh hiện tượng trục lợi trong giải quyết TTHC.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2023 và các cuộc thanh tra đột xuất; tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước.

H.P

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ