Tiếp tục tăng cường công tác quản lí hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

06/07/2023 - 08:01
(Bankviet.com) Ngày 05/7/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục tăng cường công tác quản lí đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo Hội nghị.
Ngày 05/7/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục tăng cường công tác quản lí đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, hoạt động ngân hàng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ thế giới lẫn trong nước, nhiều vấn đề đang cần được giải quyết lúc này như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang yếu, đồng thời phải kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng xác định việc đảm bảo an toàn, hoạt động lành mạnh của QTDND là việc làm thường xuyên, liên tục. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường hiệu quả quản lí nhà nước để làm tốt công tác định hướng, chấn chỉnh hoạt động của QTDND tiếp tục hoạt động theo mục tiêu, phương hướng đã được xác định.

Trong thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả công tác quản lí, thanh tra, giám sát đối với QTDND, nâng cao vai trò của QTDND trong việc hỗ trợ phát triển đời sống kinh tế của các thành viên, góp phần phát triển kinh tế và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, trong thời gian qua, cơ bản hoạt động của các quỹ an toàn, lành mạnh, một số nơi có hạn chế cũng đã sớm được phát hiện và chấn chỉnh ngay. Nhiều quỹ đã có sự phát triển đúng hướng, ổn định hơn.

Về công tác thanh, kiểm tra đối với hệ thống QTDND đã có tập trung, chuyên đề, đi sâu vào trọng điểm hơn nhờ có kinh nghiệm trong thanh, kiểm tra. Công tác xử lí các QTDND yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các sở, ban, ngành, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) được tăng cường. NHHTX và BHTGVN là hai đơn vị đã góp phần giúp NHNN làm tốt công tác thanh tra các QTDND trong điều kiện lực lượng thanh tra của NHNN còn thiếu.

 

Ông Hoàng Việt Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình bày Báo cáo về tăng cường công tác quản lí QTDND
 
Báo cáo về tăng cường công tác quản lí QTDND, ông Hoàng Việt Dũng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục III, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thông tin, thống kê đến ngày 30/4/2023, toàn hệ thống có 1.180 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố với tổng tài sản gần 171 nghìn tỉ đồng, tăng 4,0% so với thời điểm ngày 31/12/2022; tiền gửi khách hàng là hơn 150 nghìn tỉ đồng, tăng 6,2% so với thời điểm ngày 31/12/2022. 

Thời gian qua, NHNN đã tích cực ban hành văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, an toàn hệ thống QTDND như: Thông tư số 22/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Thông tư số 01/2023/TT-NHNN ngày 01/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về QTDND…

Gần đây nhất là sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), theo đó đối với TCTD là hợp tác xã, hiện Luật Các TCTD (sửa đổi) đang được dự thảo đảm bảo các nội dung: Khắc phục một số bất cập từ thực tiễn hoạt động; tăng tính liên kết hệ thống TCTD là hợp tác xã, khẳng định vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã trong việc hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế xử lí QTDND yếu kém.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngân hàng có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng tới hoạt động của các TCTD nói chung và hệ thống QTDND nói riêng, NHNN đã có nhiều công văn yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND trên địa bàn. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và thanh khoản của các QTDND. Qua công tác giám sát, số lượng QTDND được khuyến nghị các nội dung trên có chuyển biến tích cực.

 

Ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành BHTGVN phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành BHTGVN cho biết, qua 4 năm triển khai, về cơ bản các QTDND đã chấp hành tốt các quy định về nhận tiền gửi tiết kiệm, quản lí và sử dụng tuân chỉ về các giới hạn, tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động và hoạt động cho vay.

Việc thực hiện quy chế phối hợp cung cấp và trao đổi thông tin giữa NHNN chi nhánh và chi nhánh BHTGVN, chi nhánh NHHTX cũng đã được tích cực triển khai. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống NHHTX đã hoàn thành kí kết với 57 chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động. Về phía BHTGVN, đã hoàn thành kí kết với 56/57 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có QTDND hoạt động, đang tích cực sớm hoàn thành quy chế phối hợp với 01 đơn vị còn lại.

Thảo luận tại Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống QTDND đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận một số QTDND đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững toàn hệ thống. Nguyên nhân của những hạn chế được chỉ ra đó là trình độ của cán bộ quỹ còn hạn chế; một số quỹ chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận nghiệp vụ; một số quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của QTDND còn chưa cụ thể, phù hợp với hoạt động của quỹ…

 

Toàn cảnh Hội nghị
 
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong thời gian tới, hoạt động ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trong khi đời sống người dân đang nhiều khó khăn… Đảng và Nhà nước đang có nhiều biện pháp tháo gỡ và kì vọng nhiều vào ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp người dân. Vì vậy, rất cần sự chung tay, chung sức, chung lòng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và đối với hệ thống QTDND, việc làm thiết thực nhất là hoạt động có hiệu quả, an toàn, đóng góp tích cực vào kinh tế địa phương.

Đối với các nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật, Phó Thống đốc Thường trực NHNN nhấn mạnh, các đơn vị cần coi công tác tiếp tục chấn chỉnh, củng cố an toàn hoạt động hệ thống QTDND là một nhiệm vụ thường xuyên, khẩn trương, tập trung trong chỉ đạo điều hành.

Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lí liên quan đến QTDND; tập trung nguồn lực triển khai kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc NHNN chi nhánh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các QTDND năm 2023, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ liên quan phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu của QTDND giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu việc gửi các thông tin cần thiết của kết luận thanh tra cho chính quyền địa phương để phối hợp quản lí.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị, Vụ Pháp chế NHNN khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG. Cục Công nghệ thông tin sớm hoàn thành Dự án Hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát hoạt động QTDND và tổ chức tài chính vi mô; hướng dẫn NHNN chi nhánh trong việc thanh tra, kiểm tra QTDND về đáp ứng an toàn thông tin theo quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của Thống đốc NHNN quy định về an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Về phía NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, cần tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra QTDND năm 2023, nhất là kế hoạch thanh tra chéo; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ liên quan phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu của QTDND giai đoạn 2021 - 2025 theo chỉ đạo của NHNN. Đồng thời, phối hợp, tạo điều kiện để NHHTX, BHTGVN hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra QTDND trên địa bàn.

Ngân Hà

 

 

Theo: Tạp chí Ngân hàng