Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, toàn diện

02/12/2023 - 20:13
(Bankviet.com) Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra ngày 2/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo đại hội.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự ngày hội lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam Công đoàn Công Thương Việt Nam: Sát cánh cùng người lao động

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khẳng định vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên chức, người lao động cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, toàn diện
Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra ngày 2/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo đại hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trải qua hơn 94 năm xây dựng, hoạt động, trưởng thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh.

Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhiệm kỳ 2018-2023 vừa qua, hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn viên, người lao động diễn ra trong bối cảnh có nhiều đặc biệt. Những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của công đoàn có nhiều thuận lợi. Trong đó kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, xung đột xảy ra ở một số nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn. Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng...

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động.

Đặc biệt, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm trọng điểm các lĩnh vực công tác, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu chủ yếu đề ra.

Ngay sau Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức tuyên truyền học tập, quán triệt, xây dựng các chương trình thực hiện nghị quyết, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn.

Hoạt động công đoàn hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.

Với việc không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các cấp công đoàn tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò vững chắc trong lòng đoàn viên, người lao động, nhất là trong giai đoạn chống chọi với đại dịch Covid-19. Trên khắp các lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, công nhân viên chức lao động đi đầu và thành công trong lao động, sản xuất, kinh doanh, khẳng định vai trò của công đoàn trong hệ thống chính trị, tô thắm thêm cho truyền thống vẻ vang của công đoàn.

Những thành tựu đó là minh chứng khẳng định vai trò, vị trí to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, hoạt động của công đoàn và phong trào công nhân vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, trong đó có cả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ.

Về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn có mặt chậm đổi mới, chưa bắt kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và quan hệ lao động. Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu sâu sát; năng lực hạn chế; chất lượng đội ngũ công nhân, người lao động cũng có những dấu hiệu hụt hẫng và bất cập; không ít đoàn viên, người lao động có trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động…

Trước thực tế đó, Tổng Bí thư yêu cầu: Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tổng Bí thư đề nghị, trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Trong quá trình tổ chức hoạt động, công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Quan tâm nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, làm sao để tổ chức công đoàn các cấp thực sự là hạt nhân tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước.

Tổng Bí thư yêu cầu: Tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.

Công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, giai cấp, tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua... để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn, tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.

Đồng thời, công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm, quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động, tổ chức công đoàn.

Với truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam 94 năm qua, cùng những thành tựu to lớn đã đạt được và tinh thần "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển" của Đại hội lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn và tin tưởng nhiệm kỳ 2023 - 2028, và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương