Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Everest là "cầu nối" không thể thiếu trong các thương vụ phát hành trái phiếu cả nghìn tỷ của Gami Group. |
Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Công ty CP Chứng khoán Everest (EVS), ông Nguyễn Hải Châu là nhân vật có tiếng trong giới tài chính - ngân hàng. Ông Châu sinh năm 1986, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính doanh nghiệp, năm 2008, ông bắt đầu sự nghiệp tại Công ty CP Chứng khoán Thăng Long.
Tại đây, ông được thử sức với công việc là chuyên viên quản lý hoạt động đầu tư trái phiếu. Dù chỉ là sinh viên mới ra trường, nhưng với khả năng thích ứng linh hoạt, kỹ năng xử lý số liệu tốt cộng với sự "say" nghề, ông Châu nhanh chóng khẳng định năng lực trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, với sản phẩm thiết yếu là trái phiếu.
Chỉ 4 năm sau, chuyên viên Nguyễn Hải Châu liên tục thăng tiến lên các vị trí chuyên viên cấp cao của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), và rồi được đề bạt làm Phó trưởng phòng hoạt động đầu tư của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), từ tháng 10/2012.
Đến tháng 11/2013, thời điểm OceanBank bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng, và hệ quả là loạt lãnh đạo cấp cao vướng vào lao lý, ông Nguyễn Hải Châu tiếp tục chặng đường gây dựng sự nghiệp, và nơi ông lựa chọn là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), với vị trí là Trưởng phòng đầu tư, cấp bậc cao nhất ông từng đạt được.
Khi đó, NCB cũng vừa bước vào giai đoạn tái cấu trúc toàn diện. Ngân hàng tiến hành thay tên, đổi chủ với sự hiện diện của nhóm Gami Group. 2013 là năm NCB đón tân Chủ tịch HĐQT Vũ Hồng Nam, đồng thời gỡ bỏ thương hiệu cũ Navibank, sau khi đại gia Đặng Thành Tâm thoái toàn bộ vốn, và Gami Group của đại gia Nguyễn Tiến Dũng là bên tiếp quản.
Các năm sau đó, bà Trần Hải Anh (phu nhân của ông Nguyễn Tiến Dũng) chính thức gia nhập HĐQT NCB, và cùng với ông Nguyễn Tiến Dũng luân phiên nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Kể từ khi về tay Gami Group, NCB lập tức đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiệu quả nhất Việt Nam trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, phục vụ khách hàng có nhu cầu mua sắm nhà và xe - hai sản phẩm nòng cốt của Gami Group, bằng những giải pháp tài chính ngắn và trung hạn linh hoạt.
Bên cạnh đó, NCB còn xây dựng kế hoạch tăng cường đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư trái phiếu. Cụ thể, trong năm 2014, ngân hàng ước lợi nhuận thu từ kênh trái phiếu lên tới 70 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với năm trước đó, kỳ vọng là bàn đạp đưa tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 100 tỷ đồng, dự tăng gấp 4 lần so với năm 2013.
Có lẽ, chiến lược đó hoàn toàn phù hợp với những người chuyên về quản lý hoạt động đầu tư ngân hàng, như ông Nguyễn Hải Châu, cho nên ông Châu đã có thời gian gắn bó với NCB đến tận 5 năm, trong khi ở các đơn vị cũ tối đa ông chỉ ở khoảng 2 năm.
Nhận được sự tín nhiệm, ông Châu còn được giới chủ Gami Group giao cho nhiệm vụ quản trị, điều hành tại một số công ty thành viên của tập đoàn, như Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Quốc Dân, Công ty CP Xuất nhập khẩu Khoáng sản, Công ty CP G-Automobile (tiền thân là Công ty Enteco Việt Nam)...
Năm 2018, Gami Group cắt cử ông Nguyễn Hải Châu tham gia HĐQT của Công ty Chứng khoán Everest, ngay khi họ vừa hoàn tất "thâu tóm" từ chủ cũ - Tập đoàn Đại Dương. Vài tháng sau, Chứng khoán Everest được đưa lên sàn với mã chứng khoán EVS. Trong cuộc "thay máu" triệt để HĐQT Chứng khoán Everest khi đó, không chỉ ông Châu mà còn có bà Bùi Việt Anh, bà Đặng Diệp Anh, đều là nhân sự thân tín của Gami Group - NCB góp mặt.
Lúc này, việc bổ sung Chứng khoán Everest vào hệ sinh thái của Gami Group là rất quan trọng. Đó là mảnh ghép còn thiếu giúp tập đoàn dễ dàng tiếp cận đến nguồn vốn "khổng lồ" qua kênh chứng khoán, trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ngày một phát triển, định hướng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, thay thế cho kênh tín dụng ngân hàng - vốn đang bị siết chặt bởi các quy định nghiêm ngặt trong việc kiểm tra, thẩm định cho vay.
Chứng khoán Everest đã thể hiện rõ vai trò huy động vốn trung gian cho phía Gami Group, NCB thông qua việc mạnh tay mua cổ phần của chính Ngân hàng NCB, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Giải trí Vietmedia và G Automobile. Dòng vốn của Chứng khoán Everest vừa hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời gia tăng sự hấp dẫn của các cổ phiếu đang giao dịch trên sàn (NCB, G-Automobile).
Năm 2021, thời điểm thị trường chứng khoán phát triển "cực thịnh" cả về cổ phiếu lẫn trái phiếu, ông Nguyễn Hải Châu được bầu làm Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Everest. Dưới thời ông Châu, Chứng khoán Everest tập trung phát triển mảng trái phiếu, thu "đậm" từ nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, môi giới trái phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu "nở rộ" trong 3 năm trở lại đây, với tốc độ phát triển rất "nóng". Nguyên nhân là do doanh nghiệp bất động sản "ào ạt" tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp, trước động thái mạnh tay "siết" chặt dòng vốn tín dụng chảy về bất động sản của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thanh lọc thị trường, tránh xảy ra hiện tượng "bong bóng".
Với doanh nghiệp bất động sản, hay ngân hàng, trái phiếu được xem là giải pháp hữu hiệu để "lách" những quy định cụ thể và chặt chẽ này.
Trong bối cảnh đó, ngay năm đầu tiên chính thức dẫn dắt Chứng khoán Everest, ông Nguyễn Hải Châu đã chứng tỏ năng lực của mình trong mảng trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2021, Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng gấp 4 lần lên 134 tỷ đồng; doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đạt 200 tỷ đồng, trong khi năm trước "vắng bóng" mảng kinh doanh này.
Đó là động lực đưa lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp tăng 7,4 lần, vượt ngưỡng 522 tỷ đồng trong năm 2021, bên cạnh yếu tố thăng hoa của thị trường cổ phiếu.
Phần lớn, những thương vụ trái phiếu Chứng khoán Everest tham gia dàn xếp đều phục vụ cho nhóm doanh nghiệp nhà Gami. Chẳng hạn, từ ngày 26/10/2021, doanh nghiệp đã giúp Công ty CP Đầu tư Địa ốc Mai Viên (viết tắt là Địa ốc Mai Viên) phân phối khối lượng 600 tỷ đồng trái phiếu đến tay 250 nhà đầu tư cá nhân trong thời gian ngắn.
Ở thương vụ này, Chứng khoán Everest đóng nhiều vai (tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu), còn phía NCB làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm.
Ít người biết rằng, Địa ốc Mai Viên là doanh nghiệp trong hệ sinh thái Gami Group. Bà Nguyễn Thảo Phương - Tổng giám đốc Địa ốc Mai Viên từng phụ trách chi nhánh Hội An của Công ty CP Quản lý Công viên Chủ đề Gami; bà Phương hiện còn đứng tên tại Công ty CP Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn - chủ sở hữu khách sạn cùng tên, có địa chỉ số 3-3A-3B-5 Sương Nguyệt Ánh, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM.
Bên cạnh đó, bản thân ông Nguyễn Hải Châu cũng xuất hiện trong danh sách cổ đông của Địa ốc Mai Viên.
Địa ốc Mai Viên đã thế chấp Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu 600 tỷ đồng nêu trên. Bên cạnh đó, trước khi thương vụ được khởi động ít tuần, pháp nhân Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn đã chi 320 tỷ đồng để nắm giữ 20 triệu cổ phiếu Chứng khoán Everest, trong đợt chào bán 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, hoàn tất vào ngày 8/10/2021.
Khách sạn Fusion Suites Sài Gòn từ đó sở hữu 19,42% vốn điều lệ của Chứng khoán Everest, là cổ đông lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Đến cuối năm 2022, Chứng khoán Everest vẫn đang nắm giữ hơn 115 tỷ đồng trái phiếu của Địa ốc Mai Viên.
Hay như Kinhtechungkhoan.vn từng đề cập, Chứng khoán Everest là bên tham gia thu xếp đợt chào bán gói trái phiếu 700 tỷ đồng của Công ty CP Thương mại dịch vụ Hoa Lâm An. Việc hai đơn vị thuộc sự kiểm soát của tập đoàn mẹ cùng phối hợp, khiến lô trái phiếu dần bộc lộ nhiều điểm "gợn" về hồ sơ phát hành, như đã phân tích.
Có nhiều nét tương đồng, lô trái phiếu 900 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Tiến Trường (Công ty Tiến Trường) phát hành ngày 26/11/2021 cũng khiến dư luận bàn tán khá nhiều. Theo báo cáo tài chính 2022, Chứng khoán Everest ghi nhận giá trị đầu tư 169 tỷ đồng trái phiếu này.
Theo tìm hiểu, Tiến Trường vốn là doanh nghiệp ít tiếng, chỉ nổi lên sau vụ phát hành trái phiếu khối lượng "khủng". Trên website của mình khi đó, Tiến Trường cho biết có liên quan đến dự án khu đô thị Thủy Tú, hay còn biết đến với tên gọi Gami Eco Charm, tọa lạc tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với diện tích gần 60ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Bà Lê Hồng Nhung, sinh năm 1983, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tiến Trường. Trước đây, bà Nhung cũng là nhân sự cao cấp tại Công ty CP Gami Thương mại.
Theo số liệu của Kinhtechungkhoan.vn, lịch sử kinh doanh của Tiến Trường khá "mơ hồ". Dù thành lập tháng 8/2021, song đến tận năm 2019, doanh nghiệp mới có doanh thu. Tuy nhiên, giá trị doanh thu chỉ vẻn vẹn 185 triệu đồng, tăng lên 1,4 tỷ đồng ở năm 2020, và 3,4 tỷ đồng năm 2021.
Nhà phát hành trái phiếu 900 tỷ đồng thường xuyên thua lỗ, chẳng hạn năm 2019 lỗ sau thuế 255 triệu đồng, năm 2020 tăng lỗ lên 2,2 tỷ đồng.
Về năng lực tài chính, năm 2020, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ "dựng đứng" từ vài tỷ đồng lên 250 tỷ đồng và duy trì đến hết năm 2021, là bước chuẩn bị quan trọng để huy động trái phiếu. Như vậy, Tiến Trường chỉ được lập ra với mục đích gọi vốn, và không lấy gì làm bất ngờ nếu đích đến của dòng vốn 900 tỷ đồng kia là một dự án bất động sản nào đó của nhóm Gami Group.
Liên quan đến hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, ngày 16/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 698/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Chứng khoán Everest. Tổng mức phạt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra là 400 triệu đồng. Theo cơ quan này, Chứng khoán Everest là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty Cung điện Mùa Đông (Tân Hoàng Minh), nhưng có hành vi không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định; Đồng thời, Chứng khoán Everest đã báo cáo sai lệch đối với các nội dung như khối lượng trái phiếu chào bán thành công, hay phương thức phát hành của trái phiếu Công ty Cung điện Mùa Đông. |
Những thương vụ trái phiếu ít biết của Công ty Chứng khoán Everest Công ty Chứng khoán Everest là nhân tố trọng yếu đứng sau các thương vụ phát hành trái phiếu cả nghìn tỷ đồng của nhóm ... |
Chứng khoán Everest sắp phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản đảm bảo, lãi suất cao nhất 11,5% Công ty CP Chứng khoán Everest (HNX: EVS) vừa công bố Nghị quyết của HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công ... |
Lãnh đạo chứng khoán Everest dùng cổ phiếu cá nhân làm tài sản đảm bảo khoản vay cho công ty Công ty CP Chứng khoán Everest (EVS) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua thỏa thuận sử dụng cổ phiếu EVS thuộc sở hữu ... |
Vân Oanh