Tìm giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp thông minh

27/05/2022 - 03:24
(Bankviet.com) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Để xây dựng nền nông nghiệp thông minh cần sự chủ động, quyết liệt của các chủ thể từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nông dân… cùng nhau xây dựng hệ thống sinh thái hoàn thiện đưa nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển.

 

Phát biểu tại Hội thảo Nông nghiệp thông minh - Xu hướng và Giải pháp diễn ra ngày 26/5 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022, đại diện  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp, nông thôn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Theo Dự thảo Đề án, đến năm 2030, nông nghiệp, nông thôn trở thành một “trung tâm” đổi mới sáng tạo và tiên phong về ứng dụng hiệu quả các công nghệ số nhằm phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững, tích hợp đa giá trị gắn với xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh trên nền tảng Chính phủ số và nông dân số.

Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm việc xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) và cơ sở tri thức của ngành nông nghiệp và của từng lĩnh vực nông nghiệp: thủy lợi, thủy sản, chế biến, thị trường…. Xây dựng và tích hợp các công nghệ, mạng lưới dự báo, quan sát, giám sát phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp thôn gtin để nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng và phát triển ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung giá trị gia tăng…

Chia sẻ về giải pháp ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số nông nghiệp, đại diện VNPT nhấn mạnh việc xây dựng kho dữ liệu nông nghiệp rất quan trọng, đóng vai trò quyết định trong sự thành công chuyển đổi số nông nghiệp, tác động đến mọi chủ thể của chuyển đổi số từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nông dân…

Hiện nay, Việt Nam đã có quy định nhằm cập nhật, khai thác dữ liệu trong các lĩnh vực chuyên ngành chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ thực vật, thủy sản nhưng chưa đầy đủ, đối tượng thường xuyên biến động khiến việc quản lý khó khăn, việc số hóa tài liệu cũng gây ra mất mát dữ liệu, hệ thống thông tin chưa đủ, chưa có cấu trúc dữ liệu đúng đắn.

“Có rất nhiều loại dữ liệu đầu vào cần thiết cho ngành nông nghiệp nhưng lại liên quan các bộ, ngành khác như dữ liệu về môi trường, biến động thủy văn, dữ liệu dân sinh, tổng dân số, dữ liệu kinh tế xã hội, thiên tại dịch bệnh. Cần có sự chia sẻ giữa các cơ quan quản lý” – đại diện VNPT nói.

Việc ứng dụng công nghệ trong xây dựng dữ liệu có nhiều thuận lợi, chúng ta có thể thu thập dữ liệu dạng text, thu thập dữ liệu dạng ảnh, bản đồ, thông qua ứng dụng vệ tinh, thiết bị quan trắc trực tiếp, thiết bị của người dân như smart phone. VNPT giới thiệu một số giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cũng như khai thác kho dữ liệu nông nghiệp như Cổng thông tin địa lý nông nghiệp, nền tảng IOT, hệ thống nông nghiệp thông minh…

Ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) cho rằng chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ thì cần phải tìm giải pháp công nghệ trong đó cần đặc biệt chú ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Việc chuyển đổi cần lấy nền tảng công nghệ hiện đại làm tiền đề phát triển nền nông nghiệp thông minh bền vững, hàng hóa nông nghiệp giá trị hơn, tiếp cận các thị trường khó tính.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thích ứng các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc và chất lượng của các thị trường xuất khẩu. Đây cũng là định hướng mà Hiệp hội Nông nghiệp số mong muốn cùng cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy nhằm tối ưu hóa công nghệ đưa nông nghiệp Việt Nam ngày càng thông minh hiện đại đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, bắt đầu từ các sản phẩm có giá trị cao để tạo sự đột phá.

Để đạt được sự đột phá cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, quyết liệt hơn cùng nhau xây dựng hệ thống sinh thái hoàn thiện đưa nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển.

Theo: