Tìm hiểu mức độ hiểu biết tài chính ở Singapore và một số giải pháp cho Việt Nam

28/03/2025 - 23:03
(Bankviet.com) Việc nâng cao kiến thức tài chính là vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Bài viết này nghiên cứu về mức độ hiểu biết tài chính ở Singapore từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Tóm tắt: Việc thiếu hiểu biết về tài chính khiến nhiều người dân dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo đầu tư. Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu kiến thức này để vẽ ra những mô hình đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao mà không có rủi ro. Nhiều người vì ham lợi trước mắt mà không kiểm tra tính minh bạch của dự án, dễ dàng rót tiền vào các mô hình đa cấp, hay các sàn giao dịch ảo. Khi nhận ra sự thật thì tiền đã mất, kẻ lừa đảo cũng biến mất, để lại những hậu quả tài chính nghiêm trọng. Do đó, việc nâng cao kiến thức tài chính là vô cùng quan trọng để bảo vệ bản thân trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi. Bài viết này nghiên cứu về mức độ hiểu biết tài chính ở Singapore từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Từ khóa: Hiểu biết tài chính, Singapore, Ba câu hỏi lớn.

1. Tìm hiểu mức độ hiểu biết tài chính ở Singapore.

Singapore là nền kinh tế phát triển thịnh vượng với thị trường tài chính phát triển cao, đây là một quốc gia rất đáng để nghiên cứu. Ngoài việc là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, Singapore còn là trung tâm chính cho hoạt động thương mại, vận chuyển và quản lý logistics. Tính đến năm 2022, chỉ có một cuộc khảo sát toàn cầu về hiểu biết tài chính - Khảo sát hiểu biết tài chính toàn cầu của S&P - được tiến hành tại Singapore vào gần mười năm trước, năm 2014. Theo cuộc khảo sát này, 59% dân số Singapore có hiểu biết về tài chính (Klapper và Lusardi, 2020, trích trong Sconti và Fernandez, 2023). Dân số trên khắp lục địa châu Á chưa được nghiên cứu trong lĩnh vực hiểu biết tài chính.

Để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt dữ liệu về mức độ hiểu biết tài chính của người dân Singapore. Sconti và Fernandez là những người đầu tiên nghiên cứu về mức độ hiểu biết tài chính tại Singapore. Vào năm 2022, họ đã sử dụng Khảo sát đầu tư bền vững SKBI-GFLEC (SKBI-GFLEC Sustainable Investment Survey), trong cuộc khảo sát này người dân Singapore phải trả lời "Ba câu hỏi lớn" về hiểu biết tài chính (Big Three questions) (Lusardi và Mitchell, 2011, trích trong Sconti và Fernandez, 2023). Khi sử dụng “Ba câu hỏi lớn” Sconti và Fernandez đảm bảo khả năng nghiên cứu có thể so sánh với các nghiên cứu khác và nghiên cứu ở các quốc gia khác.

Vào tháng 9/2022, Sconti và Fernandez đã thực hiện Khảo sát đầu tư bền vững SKBI-GFLEC thông qua dịch vụ thăm dò trực tuyến Global Omnibus của YouGov. Sau khi thu thập số liệu và loại bỏ những câu trả lời có thông tin bị thiếu, nghiên cứu đã có được mẫu gồm 1.699 quan sát (hay nói cách khác có 1.699 người trả lời đủ các câu hỏi nghiên cứu). Các đặc điểm nhân khẩu học của mẫu nghiên cứu phù hợp với đặc điểm nhân khẩu học của dân số Singapore trong cuộc điều tra dân số mới nhất.

Trong mẫu khảo, độ tuổi nhỏ nhất là 23 và độ tuổi lớn nhất là 86. Vì thế độ tuổi trung bình trong mẫu nghiên cứu là 46 cao hơn so với độ tuổi trung bình toàn bộ dân số tại Singapore là 42. Nhóm người từ 23 - 24 tuổi chiếm 10% số người trong mẫu. Những người từ 25 - 35 tuổi chiếm 20%. Những người từ 36 - 50 tuổi chiếm 29%. Tỷ lệ cá nhân trong độ tuổi 51 - 65 là 26%, người trên 65 tuổi là 15%. Mẫu bao gồm 51% nam giới và 49% nữ giới. Trong mẫu khảo sát tập hợp những người trong các nhóm trình độ học vấn từ bậc thấp nhất (dưới trung học phổ thông và trung học phổ thông) đến trình độ cao nhất (có bằng cao đẳng và sau đại học). Nhìn chung, người Singapore có trình độ học vấn cao (45% mẫu có bằng cao đẳng trở lên). Những người trong mẫu nghiên cứu có việc làm chiếm tỷ lệ lớn khoảng 79%.

Để điều tra kiến ​​thức tài chính của người Singapore, nghiên cứu sử dụng “Ba câu hỏi lớn” do Lusardi và Mitchell đề xuất (trích trong Sconti và Fernandez, 2023). Những câu hỏi này kiểm tra sự hiểu biết của một người về lãi suất/khả năng tính toán, lạm phát và đa dạng hóa rủi ro. Hơn nữa, các câu hỏi không yêu cầu tính toán quá khó và cho phép người trả lời chọn phươg án "không biết" (DK) (hoặc họ cũng có thể "từ chối trả lời" (RF)). Các lựa chọn trả lời này cung cấp một nguồn thông tin bổ sung đáng kể để nghiên cứu hiểu rõ hơn về kiến ​​thức tài chính. “Ba câu hỏi lớn” có thể được diễn đạt như sau:

Câu hỏi 1: Giả sử bạn có 100 đô la trong tài khoản tiết kiệm và lãi suất là 2% một năm. Sau 5 năm, bạn nghĩ bạn sẽ có bao nhiêu trong tài khoản nếu bạn để tiền tăng trưởng?

• Hơn 102 đô la

• Chính xác là 102 đô la

• Ít hơn 102 đô la

• Không biết

• Không trả lời

Câu hỏi 2: Hãy tưởng tượng rằng lãi suất trên tài khoản tiết kiệm của bạn là 1% một năm và lạm phát là 2% một năm. Sau 1 năm, với số tiền trong tài khoản này, bạn có thể mua…

• Nhiều hơn ngày hôm nay

• Chính xác như ngày hôm nay

• Ít hơn ngày hôm nay

• Không biết

• Không trả lời

Câu hỏi 3: Bạn nghĩ rằng tuyên bố sau là đúng hay sai? Mua cổ phiếu của một công ty đơn lẻ thường mang lại lợi nhuận an toàn hơn so với quỹ tương hỗ cổ phiếu.

• Đúng

• Sai

• Không biết

• Không trả lời

Hai câu hỏi đầu tiên điều tra xem người trả lời có biết về các khái niệm kinh tế cơ bản hay không, các khái niệm này ảnh hưởng đến quyết định tiết kiệm. Câu hỏi thứ ba đánh giá kiến ​​thức về đa dạng hóa rủi ro, đây là yếu tố quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư. Việc không thể trả lời đúng tất cả câu hỏi được nêu ở trên có liên quan đến các kết quả có tính rủi ro và tốn kém trong việc quản lý tài chính, ví dụ như phải trả phí cao, mắc nợ quá mức, nghèo đói và cuộc sống không hạnh phúc (Sconti và Fernandez, 2023). Kết quả nghiên cứu của Sconti và Fernandez, (2023)cho thấy:

Thứ nhất, khoảng 78% số người được hỏi trả lời đúng câu hỏi về lãi suất. Mặc dù có một tỷ lệ lớn người được hỏi trả lời đúng câu hỏi về lãi suất, nhưng cần lưu ý rằng 16% số người không thể thực hiện phép tính 2% đơn giản hoặc chọn đáp án tùy chọn DK (6%).

Thứ hai, khoảng 75% số người được hỏi hiểu được tác động của lạm phát đến sức mua. Điều này có thể được giải thích thông qua lịch sử lạm phát qua các năm mà người dân đã trải qua.

Thứ ba, chỉ 50% mẫu trả lời đúng câu hỏi về đa dạng hóa rủi ro. Một con số đáng kinh ngạc là 38,4% người trả lời họ không biết câu trả lời cho câu hỏi này.

Nhìn chung, 39% tổng số người tham gia điều tra trả lời đúng tất cả các câu hỏi của “Ba câu hỏi lớn” ở Singapore. Một trong những lời giải thích cho kết quả ở trên là Singapore là quốc gia xuất sắc trong giáo dục. Học sinh Singapore luôn có thành tích học tập đặc biệt trên phạm vi toàn cầu. Họ có nhiều kỹ năng tốt về tính toán, sử dụng tiếng Anh điều này rất có ích cho việc tiếp cận khả năng tài chính (Sconti và Fernandez, 2023). Phân tích chi tiết cho thấy người cao tuổi ở Singapore dường như có mức độ hiểu biết về lạm phát cao hơn so với nhóm người trẻ tuổi (83% so với 70%). Điều này có thể được giải thích là do những người lớn tuổi đã trải qua nhiều giai đoạn nền kinh tế bị lạm phát cao trong suốt cuộc đời của họ. Trên thực tế, vào những năm 1970 ở Singapore, những người từ 65 tuổi trở lên đã phải chịu mức lạm phát là 22% trong giai đoạn đầu trưởng thành.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra có sự chênh lệch về kiến ​​thức tài chính của nam và nữ qua từng câu hỏi về kiến ​​thức tài chính. Nhìn chung, chỉ có 33% phụ nữ trả lời đúng cả ba câu hỏi, so với 45% nam giới. Những phát hiện này rất quan trọng, vì kiến ​​thức tài chính thấp hơn có thể ngăn cản phụ nữ đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc sử dụng các sản phẩm tài chính khác (Bucher-Koenen và cộng sự, 2021; Ansar và cộng sự, 2023, trích trong Sconti và Fernandez, 2023). Bên cạnh đó, những người ít học và những người không có việc làm cũng có mức độ hiểu biết về tài chính còn thấp.

2. Thực trạng hiểu biết tài chính tại Việt Nam.

Theo OECD, Hiểu biết tài chính là sự kết hợp của nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi thiết yếu để đưa ra quyết định tài chính hiệu quả; cuối cùng đạt được mức độ cao về hiểu biết tài chính cá nhân.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2013), nhận thức tài chính của người dân về hình thức cho vay cá nhân còn rất thấp, chỉ 51% số người được hỏi đã nghe và hiểu về cụm từ cho vay khách hàng cá nhân. Chỉ có 17,2% số học sinh biết tiết kiệm và chi tiêu một phần tiền có được, 8,8% chi tiêu toàn bộ số tiền có được và số còn lại không biết tiêu tiền hoặc tiết kiệm, đây là kết quả nghiên cứu của một cuộc khảo sát ở 7 trường trung học của TP. Hồ Chí Minh với đối tượng học sinh từ 13 - 18 tuổi (2012, 2013). Trong cuộc điều tra của OECD (2012), Việt Nam xếp thứ 26 trong 28 nước, đứng trên Indonesia và Pakistan. 33% số người được khảo sát ở Việt Nam không lập ngân sách để quản lý thu nhập và chi tiêu (OECD,2014).

Thực trạng cho thấy hiểu biết tài chính của người dân Việt Nam nói chung đang ở mức thấp (Đinh & Nguyễn, 2016). Bên cạnh đó, tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 47% sinh viên đánh giá rằng họ không có kiến thức tài chính. Đối với người trưởng thành có khoảng 5 năm kinh nghiệm làm việc, chỉ số hiểu biết tài chính chỉ đạt mức trung bình 2,4/5 điểm. Phần lớn dân cư không làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính vẫn còn xa lạ với những khái niệm tài chính cơ bản (Đinh và Đào, 2023). Đỗ Thu Hương (2017) nhận định rằng, kỹ năng tài chính của những người Việt Nam trưởng thành (trên 30 tuổi) có việc làm và thu nhập cao hơn mức trung bình tốt hơn các nhóm khác, bởi họ có cơ hội trải nghiệm nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính, cũng như cơ hội đầu tư, tích lũy cho kế hoạch hưu trí, được giáo dục tài chính hoặc học đại học.

Nhiều chương trình tài chính được tổ chức từ các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán như: Chương trình “Junior Achievement More than Money” được thí điểm ở trường tiểu học của HSBC Việt Nam, Chương trình tư vấn tài chính “Think it through, sign it wisely” của Home Credit cho người vay tiêu dùng, chương trình thí điểm tại các trường trung học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho 3.000 học sinh và 300 cha mẹ từ năm 2009 – 2013 với nội dung giúp học sinh hiểu giá trị tiền, rủi ro, biết cách chi tiêu và lập kế hoạch tài chính cá nhân.... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện nhiều chương trình khác nhau như “Tiền khéo tiền khôn” trên kênh VTV3 và “Những đứa trẻ thông thái” chiếu trên VTV1 nhằm thay đổi hành vi tài chính, hướng dẫn sử dụng dịch vụ thẻ và thanh toán, đảm bảo an toàn bảo mật và giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính; Chương trình truyền hình “Tay hòm chìa khóa” với nhiều nội dung phong phú như: Hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng, đặc biệt là thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking, cũng như thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Đồng thời, cung cấp thông tin về quy trình gửi tiết kiệm, vay vốn, tín dụng tiêu dùng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức, hạn chế tín dụng đen và giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.

Với các số liệu về mức độ hiểu biết tài chính được nêu ở trên đều cho thấy rằng người dân Việt Nam vẫn còn hạn chế trong kiến thức tài chính. Có thể liệt kê một số nguyên nhân gây nên tình trạng này:

Thứ nhất, các chương trình giáo dục tài chính cá nhân mang tính tự phát, chỉ hướng đến từng nhóm đối tượng riêng lẻ và được thiết kế theo nhu cầu, mục tiêu của từng tổ chức. Trong quá trình triển khai, các chương trình này chủ yếu tập trung vào việc truyền tải một số khái niệm tài chính cơ bản như tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và đầu tư.… Những kiến thức được giảng dạy trong các khoá học chưa đồng bộ. Mỗi lớp học dạy mỗi lĩnh vực tài chính khác nhau theo nhu cầu, mục tiêu của đơn vị tổ chức lớp học, chưa có sự đồng bộ và toàn diện đi từ những kiến thức cơ bản đến nâng cao về tài chính, đi theo từng bậc trình độ, từng đối tượng khác nhau.

Thứ hai, quan niệm rằng trẻ em không nên tiếp xúc với tiền quá sớm để tránh hư hỏng, chi tiêu phung phí vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, hiện chưa có nghiên cứu toàn diện và đầy đủ về mức độ hiểu biết tài chính tại Việt Nam, cũng như chưa có một khung đánh giá phù hợp với đặc điểm của Việt Nam để đo lường chính xác kiến thức tài chính của người dân.

3. Một số khuyến nghị chính sách.

Qua nghiên cứu ở Singapore thấy được rằng mức độ hiểu biết tài chính của người dân nước này rất cao. Từ hình mẫu Singapore, có thể rút ra được một số bài học và những khuyến nghị chính sách đề xuất sau đây gồm:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược giáo dục tài chính quốc gia.

Ở Singapore, việc giáo dục tài chính đang trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân và đặc biệt là giới trẻ. Các lớp học và học phần giáo dục tài chính đang được cung cấp tại các trường đại học và học viện bách khoa. Hành vi tài chính tốt và các khái niệm liên quan được dạy ở trường tiểu học, các tiết học về giáo dục tài chính sẽ được giảng dạy trong các giờ sinh hoạt của giáo viên chủ nhiệm, được lồng ghép vào các bài học về giáo dục nhân cách và quyền công dân, chương trình giảng dạy kinh tế trình độ A. Chính phủ Singapore cho rằng giáo dục tài chính trong trường học có thể là một cách tốt để cải thiện kiến ​​thức tài chính của người dân Singapore và cung cấp quyền tiếp cận rộng rãi với giáo dục tài chính cho những người trẻ tuổi.

Hơn nữa, kể từ năm 2003, người dân Singapore đã được hưởng lợi từ các sáng kiến ​​tại trường học, nơi làm việc và cộng đồng là một phần của chương trình “MoneySense”. Chương trình giáo dục tài chính này được điều phối và giám sát bởi đại diện từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. Chương trình “MoneySense” đã có nhiều chiến dịch nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân, chúng ta có thể kể đến một số hoạt động và công cụ được xem là hữu ích để cải thiển mức độ hiểu biết tài chính như: Tổ chức các hội thảo lập kế hoạch nghỉ hưu miễn phí và các phòng khám sức khỏe tài chính một kèm một. Viện Kiến thức Tài chính sẽ tổ chức các hội thảo tại các địa điểm trên toàn đảo để cung cấp hướng dẫn toàn diện, từng bước về cách lập kế hoạch nghỉ hưu và ứng phó với lạm phát. Sau hội thảo, những người tham gia có thể đăng ký tham gia các phòng khám sức khỏe tài chính một kèm một để nhận được hướng dẫn cá nhân. Một công cụ có thể nhắc đến là công cụ Kiểm tra sức khỏe tài chính nâng cao. Bài tự đánh giá kéo dài năm phút này cung cấp các khuyến nghị tùy chỉnh để cải thiện sức khỏe tài chính của một người. Một công cụ hữu ích khác mà người Singapore có thể khai thác là dịch vụ lập kế hoạch tài chính kỹ thuật số của MoneySense, “MyMoneySense”. Dịch vụ này cho phép cá nhân tự động hợp nhất dữ liệu tài chính của họ từ chính phủ và ngân hàng thông qua Sàn giao dịch dữ liệu tài chính Singapore (SGFinDex). Nó cũng cho phép người Singapore bắt đầu lập kế hoạch tài chính bằng cách cung cấp hướng dẫn cá nhân hóa và có thể thực hiện được. Thêm vào đó, các chương trình phát sóng miễn phí, một chương trình trò chơi thông tin giải trí, một loạt phim tài liệu và các video ngắn sẽ được phát trên truyền hình quốc gia và các nền tảng kỹ thuật số. Các chương trình sẽ cung cấp các mẹo về quản lý tài chính và đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt để có một cuộc sống hưu trí an toàn hơn, trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Học hỏi kinh nghiệm từ Singapore, Việt Nam nên có chiến lược giáo dục tài chính quốc gia cho các cấp học, cho các đối tượng khác nhau. Với các đối tượng là học sinh, sinh viên thì việc giáo dục tài chính nên được lồng ghép vào các giờ học trên lớp. Với các đối tượng còn lại như người lao động, người lớn tuổi, người thất nghiệp thì việc giáo dục tài chính có thể linh hoạt tổ chức các lớp học tại nơi làm việc, nơi cư trú.

Thứ hai, xoá bỏ quan niệm rằng trẻ em không nên tiếp xúc với tiền quá sớm, dạy cho trẻ biết về tiền.

Chúng ta cần xoá bỏ quan niệm trẻ em không nên biết về tiền, như thế sẽ tập hư các con, các con sẽ chi tiêu phung phí. Việc kết hợp giữa lý thuyết trên lớp và sự hướng dẫn của người lớn tại nhà sẽ giúp trẻ hình thành thái độ và hành vi tài chính đúng đắn, đặc biệt đối với trẻ dưới 15 tuổi. Ở Singapore họ đã giáo dục về tài chính cho các em từ nhỏ thông qua các buổi học ở trên lớp. Việc giáo dục tài chính bắt đầu sớm có thể giúp xây dựng thế hệ nhà đầu tư và người ra quyết định tài chính thông minh tiếp theo.

Thứ ba, xây dựng bảng câu hỏi đánh giá mức độ hiểu biết tài chính phù hợp với Việt Nam.

Cá nhân tác giả khuyến nghị nên sử dụng bộ “ba câu hỏi lớn” đang được sử dụng trong nghiên cứu của Sconti và Fernandez (2023) ở Singapore. Bộ ba câu hỏi này giúp chúng ta đánh giá được toàn diện về mức độ hiểu biết tài chính cơ bản của người dân; xem họ có hiểu về tiết kiệm và đầu tư hay không từ đó các nhà hoạch định chính sách sẽ nắm bắt được một cách chính xác thực trạng hiểu biết tài chính của người dân. Việc nắm bắt rõ thực trạng này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách đề ra giải pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu tài chính toàn diện. Đánh giá mức độ hiểu biết tài chính của người dân cần được thực hiện hàng năm, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tài chính phù hợp, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Trong nghiên cứu của Sconti và Fernandez (2023) về mức độ hiểu biết tài chính ở Singapore chỉ 39% những người được phỏng vấn có thể trả lời đúng các câu hỏi của “Ba câu hỏi lớn”. Singapore là một quốc gia có thị trường tài chính phát triển tốt và dân số có trình độ học vấn tương đối cao; nhưng với kết quả ở trên cho thấy rằng kiến ​​thức tài chính không thể được coi là điều hiển nhiên ai cũng phải biết ở Singapore. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng kiến ​​thức tài chính thấp trong các nhóm cụ thể, chẳng hạn như phụ nữ, người ít học và những người không có việc làm.

Quay lại với câu chuyện của Việt Nam chúng ta thấy rằng trình độ hiểu biết tài chính ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với Singapore. Vì thế việc có những chính sách để nâng cao trình độ hiểu biết tài chính cho người dân Việt Nam là hết sức cần thiết. Những nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo một số biện pháp mà Singapore đã áp dụng cho người dân của mình như cung cấp các khoá học giáo dục tài chính miễn phí, đưa giáo dục tài chính vào hệ thống giáo dục quốc gia, thiết kế các khoá học phù hợp với các đối tượng, giáo dục tài chính từ sớm. Ngoài ra việc thực hiện giáo dục tài chính phải được thực hiện xuyên suốt trong thời gian dài mới tạo được kết quả tốt.

Tài liệu tham khảo

1. Sconti1,A, & Fernandez,D. (2023). The importance of financial literacy: Evidence from Singapore. Journal of Financial Literacy and Wellbeing ( 2023), 1. p.p 225–243.

2. Đinh, T.M.H & Đào, T.K .(2023). Nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam. Tạp chí tài chính Online.

3. Đinh, T.T.V & Nguyễn, T.H. (2016). Đo lường và đánh giá các yếu tố tác động tới hiểu biết tài chính cá nhân của sinh viên. Trang Web Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Truy cập tháng 03/2025 tại địa chỉ:

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/rm/apph/tcnh/tcnh_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV245043&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=17646800672101774#%40%3F_afrLoop%3D17646800672101774%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV245043%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dgyq36mzua_51

4. Hồ T.X. (2018). Sự cần thiết về phổ cập kiến thức tài chính cho người dân. Trang Web Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Truy cập tháng 03/2025 tại địa chỉ:

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV331572&rightWidth=0%25¢erWidth=100%25&_afrLoop=17652383767962774#%40%3F_afrLoop%3D17652383767962774%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV331572%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dtda05zt6g_9

*Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Điệp*

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ