Tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng

08/12/2023 - 02:12
(Bankviet.com) Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022.
Quý 1, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022 Dự nợ tín dụng khoảng 12,32 triệu tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 Kích cầu để ngân hàng chữa bệnh “thừa tiền”

Tín dụng tăng 9,15%

Phát biểu tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh vô cùng khó khăn, vừa giải quyết vấn đề nội tại của ngành vừa phải ứng phó nhanh nhạy trước bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng tương đối lớn. Nhưng dưới dự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp với các bộ, ngành, ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã nhiều nỗ lực cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng.

Đó là điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá, triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng. “Ngân hàng Nhà nước đã chèo chống giữ vững ổn định hệ thống. Nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phải mặt với biến cố chưa từng có trong lịch sử như trường hợp ngân hàng SCB”, Thống đốc khẳng định.

Tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh vô cùng khó khăn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2-3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Về tín dụng theo ngành kinh tế, đến cuối tháng 10/2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 918.600 tỷ đồng (tăng 3,1,7%, chiếm 7,17%), ngành công nghiệp và xây dựng đạt hơn 3,32 triệu tỷ đồng (tăng 7,31%, chiếm 25,94%), ngành dịch vụ đạt gần 8,6 triệu tỷ đồng (tăng 7,9%, chiếm 66,88%).

Theo lĩnh vực ưu tiên (đến cuối tháng 10/2023), tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 313.000 tỷ đồng, chiếm 2,45%, tăng 8,51% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,78%, tăng 20,09% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45.600 tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 18,44% so với cuối năm 2022.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Số dư nợ được cơ cấu tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến phản hồi cho thấy Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của chính sách. Hiện cơ quan này đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 ngân hàng thương mại. Kết quả, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.

Về chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11, đã giải ngân khoảng 9.386 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 năm 2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất khoảng gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng.

Tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng
Tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng vào điều hành chính sách tiền tệ

Để có được kết quả trên nhờ vào sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, tính từ tháng 5/2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 18 văn bản chỉ đạo, điều hành giao Ngân hàng Nhà nước nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và điều hành giảm lãi suất; gần đây nhất là Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26/11/2023.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (VASEP) đánh giá, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh. Đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng, có tác dụng, hiệu quả rất tốt trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức vừa qua. Ông cho biết, đến nay, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất khoảng từ 5-5,9%, còn lãi suất USD từ 4,1-4,5%.

Với những chỉ đạo, kết quả cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đánh giá rất tin tưởng vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ thời gian qua, tạo nên tâm lý tốt, tích cực, tạo động lực để huy động sức của doanh nghiệp và người dân.

Đại diện các ngân hàng thương mại, ông Kang Gew Won, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, tích cực của Chính phủ với chính sách tiền tệ để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung, kịp thời mang lại nguồn vốn hợp lý; bày tỏ tin tưởng ngành ngân hàng có thể hoạt động, phát triển ổn định, tích cực hơn trong năm 2024.

Ông cho biết đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của Shinhan đã đạt 15% và gần đây, cùng với các ngân hàng khác, Shinhan đã được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 5% room tín dụng so với hạn mức phân bổ lần thứ 2 trước đó. Ông cho rằng, việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời và ý nghĩa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút, tăng tốc cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền.

Tạo mọi điều kiện tăng trưởng tín dụng nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống

Mặc dù đạt được kết quả tích cực, nhưng người đứng đầu ngành Ngân hàng nhận thấy rằng, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế. Nhất là các giải pháp ưu tiên tăng trưởng kinh tế liên quan đến lãi suất, tiếp cận tín dụng…

Đối với nhóm vấn đề lãi suất, theo bà Hồng, năm 2023, bất chấp nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất, duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành, điều tiết tiền tệ hợp lý tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến hết tháng 10/2023, lãi suất các khoản cho vay mới giảm khoảng 3% - bằng mức lãi suất cho vay trước đại dịch Covid-19. Đây là nỗ lực lớn của các ngân hàng. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, bà Hồng đề nghị, các ngân hàng tiết giảm chi phí, nhất là đối với ngân hàng có khả năng tiếp tục giảm thêm lãi suất.

Đối với nhóm vấn đề tăng trưởng tín dụng, theo đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề khó. Lý do là bởi nội tại Việt Nam nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng. Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn. Thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành trái phiếu, áp lực đổ dồn lên dòng vốn ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn. Tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước làm thế nào để có các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.

Trong bối cảnh đặc thù như vậy, Chính phủ cũng rất quan tâm vấn đề tăng trưởng tín dụng. “Về phía ngành Ngân hàng, chưa năm nào mà đến tháng 7 Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm. Trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023 Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng với tỷ lệ lớn đối với các tổ chức tín dụng”, bà Hồng nói.

Làm rõ thêm về dư nợ tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 10/2023, theo báo cáo doanh số cho vay của hệ thống đạt 17,6 triệu tỷ đồng, như vậy là cao hơn cả năm 2021 (17,4 triệu tỷ đồng). Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2023, khả năng con số này có thể đạt trên 19 triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn nhưng tại sao tăng 9,15%, chứng tỏ hệ thống ngân hàng vẫn cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, vòng quay vốn diễn ra bình thường. "Điều này cho thấy vướng mắc ở đây là tín dụng cho vay trung, dài hạn. Khó khăn chủ yếu do yếu tố khách quan. Trong phần đánh giá tín dụng của các nước trên thế giới cũng đều tăng chậm không riêng Việt Nam do tổng cầu thế giới giảm. Do vậy, cũng như các nước trên thế giới, bài toán vốn trung, dài hạn tại Việt Nam cũng cần thận trọng", bà Hồng bày tỏ.

Riêng đối với tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp tục khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ cấm cho vay lĩnh vực này, mà chỉ đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro ở đây là lo rủi ro kỳ hạn. Nếu ngân hàng tập trung cho vay dài hạn đến khi người dân rút tiền lại phải đối mặt rủi ro thanh khoản. Các ngân hàng cân đối tính khả thi dự án, khả năng thu hồi nợ cũng như giải quyết vấn đề vướng mắc pháp lý để cho vay khách hàng. Vấn đề cốt lõi đối với thị trường bất động sản hiện tại là phải tháo gỡ pháp lý. Khi pháp lý thông suốt chắc chắn tín dụng lập tức được khơi thông. Do đó, bên cạnh sự đồng hành, quyết liệt triển khai giải pháp của ngành Ngân hàng, Thống đốc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn vấn đề pháp lý.

Về vấn đề tài sản đảm bảo, bà Hồng cũng nhắc lại, trong hoạt động cấp tín dụng không có quy định nào bắt buộc các tổ chức tín dụng cho vay khách hàng phải có tài sản đảm bảo mà có thể vay không có tài sản đảm bảo thế chấp. Còn việc định giá tài sản đảm bảo để cho vay bao nhiêu thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc đề nghị các ngân hàng ghi nhận ý kiến đề xuất làm sao trong quá trình cho vay vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo chặt chẽ.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chiếm tới khoảng 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước, bình thường hạn chế khó khăn về năng lực tài chính, nay chịu tác động của dịch Covid-19 lại càng khó khăn, gần như không còn tài sản đảm bảo. Để tạo điều kiện, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song giải pháp của ngành ngân hàng, Thống đốc đề nghị cần đẩy mạnh vai trò, giải pháp từ các quỹ như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Về hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật và vẫn dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn nhưng phải quản lý chặt chẽ rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương