Sáng 29/9/2023, Tổng cục Thống kê tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê
kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế 9 tháng năm 2023 đạt mức tăng trưởng 4,24%, đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, các chỉ số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trụ vững với mức tăng ổn định, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì Họp báo
Phát biểu tại Họp báo, bà Nguyễn Thị Hương công bố những số liệu thống kê cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong quý III/2023 và 9 tháng năm 2023. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kì năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kì các năm 2020 và 2021 nhưng đã có xu hướng tích cực so với các quý đầu năm (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%). Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kì năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61%.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kì năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 1.086,8 nghìn tỉ đồng và tổng số lao động đăng kí là 748,9 nghìn lao động, tăng 3,1% về số doanh nghiệp, giảm 14,6% về vốn đăng kí và giảm 1,2% về số lao động so với cùng kì năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 75,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,2% so với cùng kì năm trước; 46,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,9%; 13,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,3%.
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kì năm trước; vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%; khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kì năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kì năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19; số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 3,8 triệu lượt người, gấp 2,5 lần cùng kì năm trước.
Toàn cảnh Họp báo
Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỉ
USD, giảm 11% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỉ USD.
Đời sống của hộ dân cư trong 9 tháng năm 2023 được cải thiện đáng kể so với cùng kì năm 2022 khi tỉ lệ hộ dân cư đánh giá có thu nhập trong 9 tháng năm nay không thay đổi và tăng lên so với tháng cùng kì năm 2022 là 94,1%, tăng 10,9 điểm phần trăm. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện.
Trong bối cảnh
lãi suất thế giới tiếp tục tăng và giữ ở mức cao,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành
chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, chắc chắn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng vừa qua đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực do tác động của tình hình quốc tế và trong nước, thanh khoản
thị trường cải thiện rõ rệt./.
Bảo Ly