Tòa án Bắc Kinh chấp nhận đơn xin phá sản của ngân hàng ngầm Zhongzhi

11/01/2024 - 15:46
(Bankviet.com) Đơn xin phá sản của ngân hàng ngầm Zhongzhi Enterprise Group đã được một tòa án ở Bắc Kinh chấp nhận, khởi đầu một trong những vụ phá sản lớn nhất Trung Quốc trong những năm gần đây.

Tập đoàn này đã nộp đơn xin phá sản với lý do không có khả năng trả nợ và không có đủ tài sản để trả nợ, theo tuyên bố trên WeChat của Tòa án Nhân dân Trung cấp thứ nhất Bắc Kinh vào cuối ngày thứ Sáu. Tòa án cho biết đã chấp nhận đơn của Zhongzhi, ngay sau khi tập đoàn này công bố khoản thiếu hụt tài chính lên tới 36,5 tỷ USD.

Shen Meng, Giám đốc Công ty đầu tư Chanson & Company có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Zhongzhi đã gặp rắc rối trong một thời gian dài.

Ông Shen cho biết, Bắc Kinh thường sẽ thực hiện các biện pháp - chẳng hạn như kiểm tra kỹ lưỡng bảng cân đối kế toán - trước khi quá trình pháp lý chính thức bắt đầu, để đảm bảo rằng rủi ro phá sản được kiểm soát. Ông nói thêm rằng, biện pháp này cũng có thể đã áp dụng đối với trường hợp của Zhongzhi, vì tập đoàn này có liên kết với nhiều thực thể khác nhau và gây ra rủi ro cao cho hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Ông Shen nói: “Như vậy, việc đưa vào quy trình pháp lý cho thấy khả năng chính phủ tin vào việc có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của vụ việc và bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ ở một mức độ nào đó”.

Đơn xin phá sản của Zhongzhi được nộp trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, nơi chứng kiến ​​giá bất động sản sụt giảm và các nhà phát triển bất động sản lớn nhất như China Evergrande Group và Country Garden Holdings vỡ nợ.

Các ngân hàng ngầm của Trung Quốc, nơi nắm giữ tích lũy tiền tiết kiệm hộ gia đình và cung cấp các sản phẩm quản lý tài sản đầu tư vào thị trường bất động sản, cổ phiếutrái phiếu, được coi là kênh tài trợ chính thay thế cho những người đi vay món nhỏ khi khó tiếp cận các khoản vay từ các kênh truyền thống. Nhiều sản phẩm ủy thác được đầu tư mạnh vào các dự án bất động sản.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Zhongzi quản lý khối tài sản trị giá hơn 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD). Dấu hiệu gặp rắc rối tài chính đầu tiên của Zhongzi xuất hiện vào tháng 8/2023, khi công ty con - Zhongrong International Trust, không trả được nợ cho các nhà đầu tư đã mua sản phẩm đầu tư lợi suất cao của họ.

Trong một lá thư gửi các nhà đầu tư vào cuối tháng 11/2023, Zhongzhi cho biết họ “vỡ nợ nghiêm trọng” với khoản nợ lên tới 460 tỷ Nhân dân tệ và có thể không thể “duy trì hoạt động bình thường”.

Ding Haifeng, chuyên gia tư vấn tại công ty tư vấn tài chính Integrity có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Vụ phá sản là một ví dụ mới về những rạn nứt trong hệ thống tài chính Trung Quốc”. “Người ta dự đoán rằng sẽ có thêm nhiều tổ chức tài chính phá sản trong những năm tới do họ đầu tư quá nhiều vào lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.”

Lĩnh vực này cùng với các ngành liên quan chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế Trung Quốc.

Năm ngoái, doanh thu bán hàng cả năm của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc là 5,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, giảm 16,5% so với năm 2022, theo dữ liệu do Tập đoàn Thông tin Bất động sản Trung Quốc cung cấp. Chỉ có 16 nhà phát triển bất động sản báo cáo giá trị doanh thu trên 100 tỷ Nhân dân tệ vào năm 2023, ít hơn 4 so với năm 2022.

Zhongzhi, tập đoàn có mối quan hệ rộng rãi với khu vực bất động sản của Trung Quốc, cũng báo cáo rằng tổng tài sản hữu hình của họ ở mức 200 tỷ Nhân dân tệ, ẩn ý rằng bảng cân đối kế toán bị thiếu hụt tới 260 tỷ Nhân dân tệ.

Tim Waterer, chuyên gia trưởng phân tích thị trường của công ty môi giới ngoại hối KCM Trade có trụ sở tại Sydney cho biết: “Việc chứng kiến ​​một công ty như Zhongzhi nộp đơn xin phá sản sẽ không giúp khôi phục được niềm tin trong tâm trí của các nhà đầu tư nước ngoài, những người vẫn còn đánh giá thấp về đầu tư của Trung Quốc.”

Vân Anh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ