Tọa đàm này nằm trong sáng kiến của IFC trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Chuỗi cung ứng (SCF) dành cho Chính phủ Việt Nam với mục tiêu nhằm cải thiện tính cạnh tranh của các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong chuỗi cung ứng sản xuất, hỗ trợ khả năng tiếp cận các giải pháp tài chính thông qua việc phát triển thị trường SCF. Tọa đàm này gồm hai phiên: (i) Phiên 1: Phát triển thị trường Tài trợ Chuỗi cung ứng: Công cụ chính Tài trợ nông nghiệp và Tài trợ cho các DNNVV; và Phiên 2: Phiên thảo luận và hỏi đáp.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã thay mặt NHNN phát biểu khai mạc và đánh giá việc tham gia vào các chuỗi cung ứng và tài trợ chuỗi cung ứng có thể được coi là một trong những giải pháp không chỉ hỗ trợ các thành viên trong chuỗi cải thiện khả năng cạnh tranh, thu được lợi ích tối đa mà còn có thể tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát được dòng tiền, vốn lưu động ngắn hạn, làm cơ sở mở rộng tín dụng đối với khách hàng tham gia chuỗi cung ứng. Tài trợ theo chuỗi cung ứng có thể coi là một trong những hình thức cấp vốn lưu động ngắn hạn hiệu quả và đang được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngắn hạn nhanh hơn và giảm thiểu rủi ro.
Phó Thống đốc cũng cho biết, hiện nay, quy mô và phạm vi tài trợ chuỗi cung ứng vẫn ở mức thấp, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và chỉ tập trung ở một số ngân hàng thương mại. Đồng thời, các Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là các đối tượng tiếp cận hạn chế hình thức này. Dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, NHNN nhận thấy tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam hiện nay vẫn còn một số thách thức: (i) cần tăng cường hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hơn nữa để phát triển SCF; (ii) phát triển thị trường chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và còn chưa phát triển thêm trong các lĩnh vực khác; (iii) cần tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chuỗi cung ứng thông qua cải thiện số liệu, cải thiện tính minh bạch của hệ thống thông tin tài chính của doanh nghiệp, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp (về tài chính, lao động, công nghệ,…) khi tham gia các chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu; và (iv) cần cải thiện hệ thống thông tin chuyên sâu về khách hàng (big data) và về sàn giao dịch điện tử (e-platform).
Ông Thomas Jame Jacobs, Giám đốc Quốc gia, Việt Nam, Lào và Campuchia tại IFC phát biểu
Tại Tọa đàm, Ông Thomas Jame Jacobs, Giám đốc Quốc gia, Việt Nam, Lào và Campuchia tại IFC cũng đã phát biểu khai mạc. Theo quan điểm của IFC, ngoài nỗ lực hạ lãi suất của NHNN, nguồn vốn lưu động và dịch vụ ngân hàng giao dịch tốt hơn sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tín dụng mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Trong bối cảnh này, việc phát triển tài trợ chuỗi cung ứng cũng là một trong những công cụ hỗ trợ cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp địa phương để tối ưu hóa việc quản lý vốn lưu động thông qua chuyển giao các khoản phải thu bán hàng và hàng tồn kho thành tiền mặt và có được nguồn tài trợ với chi phí thấp hơn. Các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng cũng là một trong những hình thức hỗ trợ cho các nhà sản xuất và xuất khẩu địa phương tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, chấp thuận các đơn đặt hàng lớn và thực hiện nhiều giao dịch mở tài khoản hấp dẫn hơn đối với người mua toàn cầu.
Ông Thomas Jame Jacobs cũng cho biết đối với người cho vay, việc cho vay đối với các khoản phải thu và hàng tồn kho một cách có tổ chức thông qua việc tận dụng các mối quan hệ trong chuỗi giá trị sẽ cho phép các tổ chức tài chính hiểu rõ hơn và giám sát những người đi vay, do đó có thể tăng niềm tin cho vay của họ.
Để giúp hỗ trợ phát triển thị trường Tài trợ Chuỗi cung ứng, trong thời gian qua IFC đã làm việc với NHNN và Bộ Tư pháp để cải thiện môi trường thuận lợi hơn cho việc cấp vốn đối với tài sản là động sản, trong khi khung pháp lý cho các giao dịch bảo đảm được củng cố bằng việc ban hành Bộ luật Dân sự mới và các Nghị định 21 và 99. Do đó, IFC tin rằng tài trợ chuỗi cung ứng là một trong những công cụ có thể mang lại lợi ích cho tài trợ nông nghiệp và tài trợ cho các doanh nghiệp
Ngoài ra tại Tọa đàm này, Ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm Điều hành Chính và Ông Rajesh Mehra, Trưởng nhóm Điều hành cao cấp, Nhóm định chế Tài chính Châu Á- Thái Bình Dương của IFC cũng đã có các bài trình bày về: (i) Vai trò của SCF trong tài trợ nông nghiệp và tài trợ cho các DNNVV; (ii) hệ sinh thái SCF; (iii) Hỗ trợ của Chính phủ cho phát triển Thị trường SCF; (iv) Tận dụng công nghệ để giảm rủi ro tín dụng trong SCF; (v) Những thách thức của các NHTM trong kinh doanh SCF; (vi) Nên làm gì để thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường SCF tại Việt Nam.
Cũng tại Tọa đàm này, đại diện Lãnh đạo các Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Thanh toán, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, Trung tâm Thông tin Tín dụng, Cục Công nghệ Thông tin và các đơn vị liên quan NHNN đã thảo luận và trao đổi về các khuyến nghị của chuyên gia IFC. Như vậy, Tọa đàm này được xem là một cơ hội để các đơn vị liên quan NHNN và các bên có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nhằm thúc đẩy hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Từ đó, cũng giúp cho các cơ quan Chính phủ có thêm cơ sở, thực tiễn để nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để NHNN nắm bắt kịp thời và cập nhật các thông tin về thị trường SCF tại Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề chia sẻ từ góc nhìn quốc tế để hỗ trợ NHNN trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong bối cảnh NHNN đang rà soát, xây dựng và bổ sung nội dung trong Luật sửa đổi Luật TCTD và các văn bản pháp lý liên quan.
Kết thúc Tọa đàm, đại diện IFC, ông Jingchang Lai, Trưởng nhóm Điều hành chính, Nhóm Định chế Tài chính Châu Á - Thái Bình Dương, IFC đã đánh giá rằng Tọa đàm này được xem là cơ hội tốt để các bên có thể trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn nhằm thúc đẩy hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng tại các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Từ đó, cũng giúp cho các cơ quan Chính phủ có thêm cơ sở, thực tiễn để tiến tới nghiên cứu, xem xét hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thị trường tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Theo Vụ HTQT/sbvgov.vn