Toàn cảnh sự cố đê điều miền Bắc tính đến 20h ngày 11/9

12/09/2024 - 10:28
(Bankviet.com) Ảnh hưởng từ bão lũ, từ 17h ngày 11/9 tạm dừng lưu thông các loại xe tải trên mặt các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì đến khi có thông báo.
Đã có 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ Hải Dương báo động 1 trên hệ thống sông Luộc, tăng cường tuần tra canh gác đê điều Tính đến 11h00 ngày 11/9, gần 300 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ Thủ tướng yêu cầu tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó mưa lũ, bão, thiên tai

Đã xảy ra 25 sự cố đê điều

Báo cáo của Cục quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 19h00 ngày 10/9/2024, trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số đã xảy ra 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố.

Tại tỉnh Tuyên Quang, có 1 sự cố vỡ đê cấp V, dài 10m (đê tả sông Lô thuộc địa bàn xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bảo vệ cho khu vực 40 ha với khoảng 230 hộ dân), địa phương đã tổ chức di dời dân cư để tránh ngập lụt và đang tiến hành xử lý hàn khẩu, nhưng phải tạm dừng do chênh lệch mực nước lớn.

10 sự cố lũ tràn trên các tuyến đê cấp IV-V (đê chỉnh trang thành phố Thái Nguyên; cục bộ nhiều vị trí đê tả, hữu Thao thuộc huyện Hạ Hòa, Phú Thọ với chiều dài khoảng 5,0km; đê hữu Bùi thuộc huyện Chương Mỹ và đê sông Tích thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội).

Toàn cảnh sự cố đê điều miền Bắc tính đến 20h ngày 11/9
Tính đến 19h00 ngày 10/9/2024 trên hệ thống đê đã phát sinh tổng số đã xảy ra 25 sự cố đê điều tại 9 tỉnh, thành phố

5 sự cố sạt mái đê: sự cố sạt 30m mái phía sông tại K76+500 đê hữu Cầu (đê cấp II), huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; sạt mái phía sông đê hữu Hồng tại K154+258 - K154+280 dài 20m và từ K154+236-K154+250 dài 14m (đê cấp I); sự cố sạt mái phía sông đê bối Phù Vân dài 20m và mái đê bối Thụy Xuyên dài 20m, tỉnh Hà Nam. Hiện các địa phương đã xử lý bước đầu, khoanh vùng và tổ chức theo dõi chặt chẽ các sự cố.

Tỉnh Bắc Giang cũng xảy ra 1 sự cố đùn sủi tại K17+720 đê tả Thương (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang, địa phương đã được xử lý giờ đầu. Ngoài ra, nước lũ đã tràn qua đỉnh các bờ bao phía bờ tả sông Lục Nam.

1 sự cố kẹt cánh cống Đa Hội 2, tại K10+600 đê tả Cầu (đê cấp II), tỉnh Bắc Giang; 7 sự cố rò rỉ mang cống, cánh cống tại huyện Tứ Kỳ và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hiện các địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu.

Ngoài ra, đã tổ chức hoành triệt 22 cống qua đê không đảm bảo an toàn (08 cống thuộc tỉnh Hải Dương và 14 cống thuộc tỉnh Hà Nam).

Hải Dương: Khắc phục xong 32 sự cố đê điều, 47 sự cố hệ thống thủy lợi

Tại Hải Dương, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến 12 giờ ngày 11/9, các địa phương và các cơ quan chức năng đã khắc phục xong 32 sự cố về đê điều, 47 sự cố về hệ thống thủy lợi.

Cụ thể, các sự cố đê điều đã xử lý xong như: 2 sự cố tràn đê tả Thương (thành phố Chí Linh); 3 sự cố sạt mái đê xã Quang Trung, chống tràn cống Quý Cao, hoành triệt cống Tâm ( huyện Tứ Kỳ); 19 sự cố cống, tràn rò qua đê (thị xã Kinh Môn); 1 sự cố chống tràn 100m đê bối xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện); 5 sự cố rò rỉ, thẩm đê tả Thái Bình, xã Thanh Hồng (huyện Thanh Hà); 1 sự cố hẫng chân mặt đê bê tông, xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương).

Hiện cơ quan chức năng và thành phố Chí Linh đang tiếp tục xử lý 2 cung sạt, 1 lỗ rò đê tả Thái Bình và 1 lỗ rò đê tả Kinh Thầy.

Toàn cảnh sự cố đê điều miền Bắc tính đến 20h ngày 11/9
Đê hữu sông Thái Bình qua địa bàn huyện Cẩm Giàng vào sáng 11/9. Ảnh: Báo Hải Dương

Các sự cố hệ thống thủy lợi đã được xử lý xong gồm 28 sự cố tràn bờ, sạt trượt kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Thanh Miện; 3 sự cố ở huyện Bình Giang; 1 sự cố cống Tam Cửu, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang; 14 sự cố bờ kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Gia Lộc.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý 14 sự cố hệ thống thủy lợi gồm: 6 sự cố kênh Bắc Hưng Hải ở huyện Tứ Kỳ; 3 sự cố ở huyện Thanh Miện; 2 sự cố chống tràn ở huyện Cẩm Giàng; 1 sự cố cống Đọ ở thành phố Hải Dương và 2 sự cố ở huyện Gia Lộc.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các địa phương thực hiện tuần tra, canh gác đê nghiêm ngặt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều, thủy lợi ngay từ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Hiện, 267 điếm canh đê của Hải Dương đã bố trí nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm theo đúng quy định.

Tạm dừng lưu thông xe tải trên tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng (Ba Vì, Hà Nội)

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, đề đảm bảo an toàn cho tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng trên địa bàn huyện Ba Vì, UBND huyện Ba Vì đã ra thông báo số 788/TB-UBND về việc yêu cầu tạm dừng lưu thông các loại xe tải trên mặt các tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì bắt đầu từ lúc 17 giờ ngày 11/9/2024 cho đến khi có thông báo lại (trừ xe làm nhiệm vụ sơ tán người, vật nuôi và làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn).

Cùng đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các UBND các xã, thị trấn dọc tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng cắm biển tạm dừng lưu thông các loại xe tải trên đê tại các đường vào, dốc lên đê; đồng thời chỉ đạo lực lượng tuần tra canh gác đê kiên quyết không cho các loại xe tải lưu thông trên đê. Thanh tra giao thông hụyện, Đội cảnh sát giao thông - Công an huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Toàn cảnh sự cố đê điều miền Bắc tính đến 20h ngày 11/9
Tuyến đê hữu Đà, hữu Hồng thuộc địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội) bị sạt lở. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, mực nước tại sông Hồng đang ở mức rất cao. Thời điểm 17h ngày 11/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đã ngưng tăng khi đạt 11,22m, cách báo động 3 là 28cm. Mực nước lũ về sông Hồng trong 2 tiếng qua là 0cm/h.

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 3; tại Phú Thọ sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 1.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 3. Lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3.

Lũ trên sông Lục Nam, sông Cầu sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3.

Tại sông Cầu, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, lũ tiếp tục lên trên mức báo động 3.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 2 và dưới báo động 3.

Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Yên Bái xuống mức báo động 2, tại Phú Thọ xuống dưới mức báo động 1.

Trong khoảng thời gian này, diễn biến lũ trên các sông Lô, sông Thương, sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thái Bình chưa có nhiều thay đổi so với trước đó.

Còn lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 2.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập

Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ và có chỉ đạo quyết liệt ứng phó mưa lũ, sạt lở; giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập.

Toàn cảnh sự cố đê điều tính đến 20h ngày 11/9

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt ứng phó mưa lũ, sạt lở; giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập. Ảnh: VGP

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại; giảm thủ tục hành chính, khẩn trương cấp phát dự trữ hỗ trợ người dân, cơ quan, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra; kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực.

Cùng với đó, đẩy mạnh cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhiên nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khôi phục các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp; kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương