Bóc gỡ đường dây ma túy lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay Bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển ma túy từ Lào qua Điện Biên đi tiêu thụ Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương điều tra vụ án Bùi Đình Khánh |
Xuất hiện những phương thức, thủ đoạn mới
Theo Cục Hải quan, hiện nay, qua công tác tổng hợp báo cáo từ các đơn vị Hải quan trong toàn ngành cũng như báo cáo từ các cơ quan chức năng về kiểm soát ma tuý thì tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực tiếp tục xuất hiện những phương thức, thủ đoạn cất giấu mới, ngày càng tinh vi.
![]() |
Cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển các chất ma túy - Ảnh minh họa |
Tình hình tội phạm ma túy trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.
Từ kết quả một số vụ việc, chuyên án về ma túy do lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp với các lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy cho thấy hoạt động của tội phạm ma túy trong một vụ có thể đồng thời liên quan đến nhiều tuyến đường; có sự câu kết chặt chẽ của các đối tượng trong và ngoài nước.
Thành phần liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy gồm cả đối tượng chuyên nghiệp, đối tượng không chuyên nghiệp và người vô ý bị lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội; các cá nhân, đối tượng được huy động tham gia theo từng công đoạn, mắt xích, có thể không biết nhau; đối tượng chủ mưu, cầm đầu hầu hết ở nước ngoài, điều hành đường dây hoạt động xuyên quốc gia thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, các tiện ích về thông tin liên lạc và dịch vụ giao dịch.
Hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất tại Việt Nam trong thời gian qua cũng diễn biến gia tăng, hoạt động của các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo thuận lợi thương mại đối với các hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi... phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ.
Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Lượng tiền chất xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước, đặc biệt là Lào và Campuchia, tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, tình hình sản xuất trái phép ma túy tổng hợp tại Lào và Campuchia tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Theo thông tin Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc tế (INCB) cung cấp, cơ quan chức năng một số nước bắt giữ được các lô hàng tiền chất trái phép có xuất xứ từ Việt Nam.
Số vụ việc vi phạm liên quan tới tiền chất trong nước gia tăng, nổi bật như lực lượng Công an và các cơ quan chức năng đã phối hợp phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý một số vụ việc sản xuất ma túy từ tiền chất.
Điển hình, tháng 3/2025 lực lượng Công an và các lực lượng chuyên trách đấu tranh triệt phá vụ việc sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất tại Nha Trang - Khánh Hòa, thu giữ 1,4 tấn ketamin với độ tinh khiết rất cao, cùng gần 80 tấn hóa chất, bắt giữ 11 đối tượng (gồm: 04 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) và 04 đối tượng người Việt Nam).
Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa
Trước tình hình đó, mục đích ban hành kế hoạch nhằm tăng cường công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm ma túy; đẩy mạnh phối hợp nghiệp vụ trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế.
Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh; phân tích, nhận diện, dự báo chính xác tình hình, phát hiện, phổ biến cảnh báo về các phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp của tội phạm trên các tuyến, địa bàn nhằm đảm bảo hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa, đặc biệt là đối với tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao, hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia.
Đồng thời, chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng tiền chất, hỗn hợp hóa chất chứa tiền chất, các sản phẩm, chế phẩm chứa tiến chất diễn ra trong địa bàn hoạt động hải quan; lợi dụng phương tiện xuất nhập cảnh, các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa để buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới.
Rà soát hồ sơ xuất nhập khẩu tiền chất của doanh nghiệp để nhận diện phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, sử dụng, quản lý tiền chất; phát hiện những sơ hở, sai sót về hồ sơ, về khai báo, về quy trình thủ tục xuất, nhập khẩu tiền chất.
Kế hoạch cũng nhằm ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng việc xuất nhập khẩu tiền chất để sản xuất trái phép chất ma tuý; tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập qua lãnh thổ Việt Nam các chất ma túy, tiền chất ma túy theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung quy định quy trình, quy chế; xây dựng, tổ chức triển khai các giải pháp tổng thể nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của cơ quan Hải quan.
Về nội dung thực hiện, Kế hoạch số 2618/KH-CHQ nêu rõ: Căn cứ tình hình thực tiễn theo địa bàn được giao quản lý, yêu cầu các đơn vị triển khai kịp thời, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ về kiểm soát, phòng, chống tội phạm ma túy và phối hợp kiểm soát tiền chất; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, tiền chất.
Trong đó tập trung: Tăng cường công tác thu thập, phân tích thông tin; công tác kiểm tra, kiểm soát xác định tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến tội phạm ma túy và tiền chất.
Tra cứu, tổng hợp, phân tích các dữ liệu trên hệ thống dữ liệu hải quan như: VCIS (EUC), e-custom (V5)... để rà soát, đánh giá xác định các lô hàng xuất nhập khẩu có nguy cơ cao về ma túy, quản lý tiền chất; xác định cụ thể các địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm để tập trung nguồn lực đấu tranh.
Thu thập hồ sơ liên quan (gồm: hồ sơ tại doanh nghiệp, hồ sơ làm thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan cửa khẩu, hồ sơ cấp phép tại cơ quan quản lý chuyên ngành) và các thông tin khác.
Phân tích, đánh giá, đối chiếu thông tin trên các hồ sơ, tài liệu thu thập được với dữ liệu tờ khai tra cứu trên hệ thống dữ liệu hải quan.
Phối hợp với các đơn vị Hải quan liên quan để thu thập thông tin từ cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp do đơn vị quản lý, theo dõi để nắm bắt, đánh giá tình hình hoạt động, chấp hành quy định pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất của doanh nghiệp.
Căn cứ vào tình hình, tính chất, mức độ của từng vụ việc cụ thể và căn cứ quy định liên quan, thực hiện kịp thời và hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan trong và ngoài ngành; với các tổ chức quốc tế để thu thập, xác minh thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ trong quá trình thực hiện kế hoạch.
Trong quá triển khai kế hoạch, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới và các dấu hiệu vi phạm việc xuất nhập khẩu tiền chất, các đơn vị chuyên trách phòng, chống ma túy của Chi cục Điều tra chống buôn lậu và của các Chi cục Hải quan khu vực, các đơn vị Hải quan báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết và phối hợp ngay với lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy trên địa bàn (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) để tiến hành điều tra, xác minh, đấu tranh, bắt giữ quả tang đối tượng, thu giữ tang vật bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Năm 2024, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 293 vụ, 355 đối tượng với tổng số lượng tang vật thu giữ gần 2,3 tấn ma tuý các loại. |