Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực TMĐT trong phạm vi địa bàn quản lý theo các nhóm đối tượng cụ thể như: DN có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (như Google, Facebook, Apple, Amazone…); DN kinh doanh, bán hàng trực tuyến; DN kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng (như Booking.com, Agoda…); DN chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; DN tổ chức, điều hành sàn giao dịch TMĐT (như Sendo, Lazada, Shoppe…), điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán (như Vnpay, Airpay, Napas…), ứng dụng (App) trung gian vận chuyển (như Grab, Now, Baemin…).
Bên cạnh đó, các Cục Thuế cần tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền cho các tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, có phát sinh thu nhập từ các đơn vị sở hữu các nền tảng trực tuyến thông qua các hình thức như: tổ chức hội nghị, tập huấn chính sách thuế; chuyển thư ngỏ của Cơ quan thuế đến các tổ chức, cá nhân. Qua đó, tạo điều kiện cho các đơn vị nắm đầy đủ các nội dung về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế đối thu nhập từ hoạt động TMĐT.
Đồng thời, cần chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành, các DN hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng để thu thập đầy đủ, kịp thời thông tin của các tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT.
Đối với việc thực hiện phối hợp với các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, các Cục Thuế cần tăng cường công tác phối hợp để thu thập thông tin DN, thu nhập, dữ liệu dòng tiền giao dịch qua tài khoản của các tổ chức trong nước với các công ty nước ngoài sở hữu, vận hành các nền tảng trực tuyến như (Facebook, Google, Youtube…). Đồng thời thực hiện tổng hợp, rà soát, đối chiếu thông tin dữ liệu các DN có hoạt động kinh doanh TMĐT, tham gia sáng tạo nội dung trên các nền tảng trực tuyến, có phát sinh thu nhập từ các tổ chức nước ngoài với thông tin quản lý thuế để kịp thời xác định các trường hợp có phát sinh nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng chưa thực hiện đăng ký thuế, kê khai nộp thuế theo quy định.
Trên cơ sở phân tích rủi ro để tăng cường, bổ sung các trường hợp thanh tra kiểm tra các tổ chức tại Việt Nam có tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, giao dịch, hợp tác và sử dụng các dịch vụ quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến do các đơn vị nước ngoài cung cấp, các Cục Thuế đẩy mạnh thanh tra kiểm tra thực hiện rà soát tình hình kê khai nộp thuế nhà thầu nước ngoài và thu thập thông tin về các công ty, tập đoàn nước ngoài đang cung cấp các hình thức quảng cáo xuyên biên giới hiện nay. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gian lận, trốn thuế không thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định, chuyển cơ quan công an để điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Để ngăn ngừa các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế (trong đó có liên quan đến Paypal) không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (như thanh toán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam...), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam, Văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam phối hợp, trao đổi, nghiên cứu các biện pháp nhận diện giao dịch liên quan Paypal đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, với mục tiêu quản lý và cung cấp theo quy định pháp luật cho các Cơ quan chức năng.
Do vậy, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục tăng cường rà soát, thực hiện phối hợp với các Cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện các hành vi kê khai, nộp thuế chưa đúng quy định và các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế nói chung và liên quan đến Paypal nói riêng để có các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.