Tổng quan ngành dược: Sự phân hóa lợi nhuận giữa các doanh nghiệp trở nên rõ nét

14/11/2024 - 22:59
(Bankviet.com) Ngành dược Việt Nam quý III/2024 cho thấy sự phân hóa rõ rệt, với nhiều doanh nghiệp như Dược Việt Nam (DBD) và Imexpharm (IMP) đạt tăng trưởng nhờ cải thiện kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, áp lực từ chi phí tăng cao và sự cạnh tranh trên thị trường khiến một số đơn vị như Traphaco (TRA) và Dược phẩm OPC sụt giảm lợi nhuận.

Những điểm sáng tăng trưởng

Ngành dược ghi nhận sự phân hóa rõ rệt trong kết quả kinh doanh quý III/2024 của 31 doanh nghiệp. Trong đó, 19 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng trưởng, bao gồm hai trường hợp chuyển từ lỗ sang lãi; 12 đơn vị ghi nhận lợi nhuận giảm, và chỉ duy nhất một doanh nghiệp chịu lỗ.

Một số doanh nghiệp dược ghi nhận kết quả tích cực trong quý III/2024, nhưng không phải tất cả đều đạt được điều này nhờ kinh doanh thuần túy.

Tổng quan ngành dược: Sự phân hóa lợi nhuận giữa các doanh nghiệp trở nên rõ nét
Kết quả kinh doanh của DVN.

Dược Việt Nam (HOSE: DVN): DVN đạt lợi nhuận 60 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu giảm nhẹ. Tuy nhiên, phần lớn sự tăng trưởng này không đến từ hoạt động bán hàng, mà từ khoản lợi nhuận khác hơn 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận khoản lỗ gần 843 triệu đồng. Điều này khiến kết quả tăng trưởng của DVN thiếu tính bền vững.

Dược liệu Việt Nam (Vietmec - DVM): Lợi nhuận quý III của DVM đạt 18 tỷ đồng, tăng 62%, nhờ giảm mạnh chi phí bán hàng. Tuy nhiên, lãi gộp của doanh nghiệp lại giảm 8%, cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa có sự cải thiện rõ rệt.

Mekophar (UPCoM: MKP): MKP cũng ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu nhờ các khoản thu tài chính. Doanh thu tài chính quý III tăng gấp 3,5 lần, đạt 26 tỷ đồng, nhờ cổ tức được chia. Điều này giúp lợi nhuận ròng đạt 6,5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, dù doanh thu và lãi gộp đều giảm.

Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp đạt tăng trưởng nhờ kinh doanh thuần túy, như:

Dược Bình Định (HOSE: DBD): DBD ghi nhận doanh thu 433 tỷ đồng, tăng 5%, và lợi nhuận ròng 75 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng 7%, minh chứng cho sự cải thiện hiệu quả kinh doanh. Theo doanh nghiệp, kết quả này đến từ việc thay đổi cơ cấu kinh doanh, đẩy mạnh bán hàng và cắt giảm chi phí.

Imexpharm (HOSE: IMP): IMP đạt doanh thu 545 tỷ đồng và lãi sau thuế 72 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 4%. Lãi gộp tăng 15%, nhờ tận dụng tốt các kênh ETC (tăng 47%) và OTC (tăng 8%).

FPT Retail (HoSE: FRT): FRT ghi nhận doanh thu gần 10,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26%, và lợi nhuận đạt 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 21 tỷ đồng. Thành công này chủ yếu đến từ sự mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu và trung tâm tiêm chủng.

Những doanh nghiệp gặp khó

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm lợi nhuận, chủ yếu do thị trường kém thuận lợi và chi phí tăng cao.

Tổng quan ngành dược: Sự phân hóa lợi nhuận giữa các doanh nghiệp trở nên rõ nét
Diễn biến lợi nhuận của Traphaco qua từng quý.

Traphaco (HoSE: TRA): TRA ghi nhận doanh thu giảm 2%, còn lợi nhuận ròng giảm mạnh 41%, xuống còn 38 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm doanh thu kênh OTC – vốn chiếm 80% doanh thu – và sự gia tăng của các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp.

Dược phẩm OPC (HoSE: OPC): OPC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 21% và 29%, xuống 194 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Nguyên nhân là việc áp dụng khuyến mãi giảm giá và sức mua yếu trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn.

Dược Hậu Giang (HoSE: DHG): DHG ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 6%, còn 156 tỷ đồng. Doanh thu và lãi gộp cũng giảm nhẹ, phản ánh áp lực từ sự cạnh tranh gia tăng trong ngành.

Chỉ duy nhất Dược phẩm Trung ương 2 (UPCoM: DP2) là ghi nhận khoản lỗ 5,8 tỷ đồng. Lần gần nhất DP2 ghi nhận có lãi từ từ quý III/2019.

Tiềm năng dài hạn và khó khăn trước mắt

Theo IQVIA, ngành dược Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 6-8% giai đoạn 2023-2028. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già vào năm 2036, với nhóm người trên 65 tuổi chiếm 14% dân số.

Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược, công bố vào tháng 2/2024, cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất nội địa, đáp ứng 80% nhu cầu dược phẩm trong nước vào năm 2030. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất như IMP, DBD, TRA và DHG.

Tuy nhiên, ngành dược vẫn phải đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là trong quý IV/2024. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Dược Bình Định, cho rằng việc hoàn thành 100% mục tiêu doanh thu năm 2024 là rất khó khăn. Các gói thầu quốc gia và tình hình nhập khẩu thuốc ngoại gia tăng sẽ gây áp lực lên thị phần của doanh nghiệp nội địa. Đặc biệt, thuốc ngoại thường chiếm ưu thế ở kênh ETC, trong khi các chuỗi nhà thuốc ưu tiên bán sản phẩm ngoại, khiến thị trường tự do trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn.

Một doanh nghiệp BĐS ghi nhận lãi ròng quý III tăng vọt gần 2.000%

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, cùng với mảng kinh doanh bất động sản hồi phục, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà ...

Bùng nổ lợi nhuận quý III, doanh nghiệp cảng biển đối mặt nhiều thách thức khiến đà tăng chững lại

Trong quý III, ngành cảng biển Việt Nam đạt tăng trưởng ấn tượng với nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận kỷ lục. Tuy nhiên, ...

Ngành hóa chất - phân bón quý III/2024: Nhóm nhỏ và vừa bứt tốc, các “ông lớn” tỏ ra hụt hơi

Ngành hóa chất - phân bón quý III/2024 ghi nhận sự phân hóa rõ rệt, trong khi các "ông lớn" trong ngành như DPM, BFC ...

Đông Quân

Đông Quân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán