5 tháng: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về 24,14 tỷ USD Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỷ USD |
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 34,27 tỷ, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%.
Riêng trong tháng 7, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD, tăng 25,2%); lâm sản 1,4 tỷ USD, tăng 15,8%; thủy sản 880 triệu USD, tăng 13,2%; chăn nuôi 47,4 triệu USD, tăng 9,3%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 7 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có nông sản 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%.
7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 34,27 tỷ, tăng 18,8% |
Cụ thể, các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 8,7 tỷ USD, tăng 21,9%; cà phê 3,5 tỷ USD, tăng 30,9%, với lượng 964.000 tấn; gạo 3,2 tỷ USD, tăng 25,1%, với lượng 5,18 triệu tấn; hạt điều 2,3 tỷ USD, tăng 22,1%, với lượng 424.000 tấn; rau quả 3,8 tỷ USD, tăng 24,3%; tôm 2 tỷ USD, tăng 7,5%; cá tra 1,02 tỷ USD, tăng 7,1%.
Giá xuất khẩu bình quân một số mặt hàng cũng tăng, đơn cử như: Gạo 632 USD/tấn, tăng 18,2%; cà phê 3.669 USD/tấn, tăng 51,7%; cao su 1.555 USD/tấn, tăng 14,8%; hạt tiêu 4.665 USD/tấn, tăng 45%; chè 1.728 USD/tấn, tăng 1,6%.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á 16,3 tỷ USD, tăng 16,9%; châu Mỹ 7,9 tỷ USD, tăng 20,5%; châu Âu 4,2 tỷ USD, tăng 29,6%; châu Phi 638 triệu USD, tăng 7,9% và châu Đại Dương 476 triệu USD, tăng 14,2%.
Về thị trường, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Theo đó, Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.
Là "điểm sáng" trong xuất khẩu nông sản 7 tháng đầu năm, nhóm rau quả năm nay cũng được dự báo có thể cán đích 7 tỷ USD. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nông sản Việt Nam chất lượng ngày càng cao, được nhiều thị trường ưa chuộng. Trong đó, sầu riêng mặt hàng chủ lực của nhóm rau quả đang tạo vị thế khi giá rẻ, tươi ngon, thời gian vận chuyển nhanh. Từ tháng 7, 8, 9 và 10, sản lượng sầu riêng sẽ tăng cao khi khu vực Tây Nguyên vào vụ.
Sầu riêng, được mệnh danh là "vua của các loại trái cây", đang ngày càng khẳng định vị thế khi được Trung Quốc và nhiều quốc gia ưa chuộng.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Sầu riêng hiện chiếm 65% tỷ trọng trong nhóm quả xuất khẩu.
Giá sầu riêng xuất khẩu cũng tăng mạnh 6 tháng qua, dao động 4,3-4,5 USD (110.000-115.000 đồng/kg) tùy thị trường. Hiện giống Monthoong được ưa chuộng nhờ chất lượng cao, hạt lép, mùi thơm ngon và không bị nhão. Thời gian bảo quản của loại này cũng dài hơn so với Ri 6 và các giống khác.
Trong số 10 thị trường hàng đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam nửa đầu năm, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 46%. Thị trường Thái Lan đứng thứ hai, với 47 triệu USD, tăng 90,5% so với nửa đầu năm 2023.
Ngoài hai thị trường lớn này, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường mua sầu riêng Việt. Nhật Bản chi 2,6 triệu USD, Campuchia chi 1,6 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định nhu cầu lúa gạo trên thị trường thế giới vẫn rất lớn. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines và Indonesia đều tăng hạn ngạch nhập khẩu. Indonesia dự định nhập 5,18 triệu tấn gạo, trong đó mới đây đã mở thầu mua 320.000 tấn loại 5% tấm, tạo cơ hội cho gạo Việt Nam. Philippines cũng tăng lượng nhập khẩu từ 3,8 triệu tấn lên 4,5 triệu tấn.
7 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu là 24,85 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó: Nông sản 15,27 tỷ USD, tăng 7,6%; Sản phẩm chăn nuôi 2,09 tỷ USD, tăng 5,4%; Thuỷ sản 1,44 tỷ USD, giảm 3,8%; Lâm sản 1,55 tỷ USD, tăng 20,8%; Đầu vào sản xuất 4,48 tỷ USD, tăng 12,3%; Muối 21,4 triệu USD, giảm 16,6%. |