TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hoá kinh doanh với xu thế tiêu dùng mới

01/06/2024 - 00:48
(Bankviet.com) Chiều ngày 31/5/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới”.
VCCI tổ chức Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hoá kinh doanh” Văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam gồm các nội dung nào?

Diễn đàn là dịp để các bộ, ban, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề liên quan đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh trong tình hình mới.

Tham dự diễn đàn có ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); cùng đại diện các sở, ban, ngành tại TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, diễn đàn cũng có sự tham gia của các lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cùng các đại biểu là các doanh nhân trong cả nước.

Tại diễn đàn các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về việc xây dựng văn hóa kinh doanh trong tình hình mới với xu hướng tiêu dùng mới vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt.

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hoá kinh doanh với xu thế tiêu dùng mới
Toàn cảnh diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới” - (Ảnh: Tiến Phòng).

Theo đó, văn hóa kinh doanh là yếu tố đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Xu hướng tiêu dùng mới đang ngày càng phổ biến và trở thành nét văn hóa trong kinh doanh mà các doanh nghiệp đã và đang hướng tới bởi những lợi ích mà nó mang lại. Việc bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức.

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp tiếp cận xu hướng tiêu dùng mới, tìm kiếm đối tác kinh doanh bền vững lâu dài, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp và tìm kiếm giải pháp để bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế của thế giới.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong nền kinh tế hội nhập ngày nay, văn hóa kinh doanh là yếu tố gắn liền với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, đó là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Điều này tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, để xây dựng nền văn hóa tiêu dùng thích ứng với nền kinh tế thì chúng ta cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể.

“Bàn về đề văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới, trước hết chúng ta phải biết rõ được văn hóa kinh doanh trong “văn hóa tiêu dùng” từ trước tới nay là gì? Từ đó làm căn cứ để chỉ ra những yếu tố tác động, ảnh hưởng tới văn hoá đó, dẫn tới hình thành một xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh hiện nay”, ông Phòng chia sẻ.

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hoá kinh doanh với xu thế tiêu dùng mới
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc. - (Ảnh: Tiến Phòng).

Theo đó, văn hoá tiêu dùng hay nói cách khác đó là thói quen tiêu dùng của xã hội và cá nhân trở thành văn hoá khi nó phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của một cộng đồng trong một không gian, thời gian cụ thể.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng, dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng nâng cao đã giúp gười tiêu dùng có thêm rất nhiều sự lựa chọn và tiện ích để phục vụ cho cuộc sống của bản mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đã hình thành nên một xu hướng tiêu dùng mới hiện đại và tiện ích hơn. Đây là những biến động quan trọng mà doanh nghiệp và những người làm tiếp thị cần theo dõi để hiểu rõ nguyện vọng và nhu cầu của thị trường, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tiếp cận khách hàng.

Xu hướng tiêu dùng thường phản ánh sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa, xã hội, kinh tế, công nghệ, và môi trường. Ở mỗi thời kỳ, có những xu hướng đặc trưng xuất hiện và định hình quyết định của người tiêu dùng. Trước sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng đó, doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt và phải khẳng định được dấu ấn văn hóa khác biệt của doanh nghiệp mình trong chiến lược kinh doanh.

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hoá kinh doanh với xu thế tiêu dùng mới
Một gian giới thiệu sản phẩm bên lề diễn đàn. - (Ảnh: Tiến Phòng).

Việc thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh đã được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm được thể hiện qua nhiều Nghị quyết, Chỉ thị cụ thể.

Ngoài ra, văn hóa kinh doanh cũng đóng vai trò then chốt trong việc giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và và thích ứng nhanh chóng với môi trường kinh doanh quốc tế. Không chỉ vậy, văn hóa kinh doanh còn góp phần nâng tầm, nâng cao sức cạnh tranh của bản thân mỗi doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Xây dựng văn hóa kinh doanh trong nền kinh tế ở nước ta là một yêu cầu cần thiết và cấp bách. Văn hoá kinh doanh là yếu tố cốt lõi để tạo dựng nên thương hiệu của một doanh nghiệp. Có được điều đó là sự linh hoạt, thích ứng nhanh, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng của xã hội, từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh trong sản xuất đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mới.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VCCI đã xác định xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021-2026.

Cụ thể, trong thời gian qua, VCCI đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động có liên quan, trong đó đáng kể là: nghiên cứu, xây dựng, công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Cùng với đó, VCCI cũng đã phối hợp với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam; triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045”.

“Diễn đàn hôm nay là một trong những hoạt động cụ thể nhằm triển khai chương trình hành động của VCCI, làm nổi bật lên một số nội dung về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam trước những thách thức mới, xu hướng tiêu dùng mới trong bối cảnh của nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết.

Tại sự kiện này, các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân thành công trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh, tạo dựng nên uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ trong nước mà còn cạnh tranh với thị trường quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh: Xây dựng văn hoá kinh doanh với xu thế tiêu dùng mới
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ tại diễn đàn. - (Ảnh: Tiến Phòng).

Tại diễn đàn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ với chủ đề: Xu hướng tiêu dùng và sở thích mua sắm; TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định với chủ đề: Nâng cao giá trị hàng Việt trong văn hóa kinh doanh; bà Ngô Phi Phụng, Giám Đốc Maketing Metta Khu vực Đông Nam, chia sẻ với chủ đề: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên ESG hướng tới người tiêu dùng thông minh mới;

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Trưởng Viện đào tạo Lãnh đạo bền vững, với chủ đề: “Văn hóa kinh doanh trong Thương mại điện tử kỷ nguyên công nghệ số”; CEO Hoàng Văn Tam, CTHĐQT CT Digitech Solutions, với chủ đề: Áp dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng công nghệ số trong kinh doanh;

Cùng với đó, Luật sư Lê Bá Thường, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và văn hóa doanh nghiệp, với chủ đề: Phát huy yếu tố văn hóa và tinh thần dân tộc trong cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt Nam”; TS. Đinh Kiệm, Công ty Tư vấn Giáo dục Đào tạo Ngôi Sao, chia sẻ chủ đề: Văn hóa kinh doanh quốc tế, luật kinh doanh mới những điều cần lưu ý; bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân cũng có những chia sẻ, truyền cảm hứng tại diễn đàn.

Theo đó, 6 quy tắc đạo đức doanh nhân gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Tiến Phòng

Theo: Báo Công Thương