Trách nhiệm đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử

11/04/2025 - 18:04
(Bankviet.com) Dự thảo Luật Thương mại điện tử đề cập cụ thể trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.
Cơ bản nhất trí với đề xuất xây dựng, ban hành Luật Thương mại điện tử Hoa hậu quảng cáo sai sự thật, truy trách nhiệm sàn thương mại điện tử Quản lý chặt các chủ thể tham gia thương mại điện tử

Thiếu quy định về trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử đang được điều chỉnh bởi hai văn bản chính là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (Nghị định 52), Nghị định 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52 (Nghị định 85).

Tuy nhiên, do hai văn bản trên ở cấp Nghị định nên chưa đủ để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thương mại điện tử. Trong đó, có vấn đề quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.

Cụ thể, Nghị định 52 có nhắc đến trách nhiệm của các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như logistics. Tuy nhiên, do là văn bản dưới luật và chỉ hướng dẫn quy định về hoạt động thương mại điện tử nên Nghị định thiếu các quy định cụ thể và chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn trong việc quản lý các mô hình trung gian hỗ trợ thương mại điện tử.

Trách nhiệm đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử
Khung pháp lý quy định trách nhiệm của đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn còn thiếu. Ảnh: Đ.T

Nghị định chưa bao quát được các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các đơn vị cung cấp dịch vụ tiếp thị liên kết (affiliate marketing).

Nghị định cũng chưa có những quy định rõ ràng về việc các đơn vị trung gian phải có cơ chế để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hay cơ chế phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hàng hoá, sản phẩm giả, nhái, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử.

Việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử có thể dẫn đến một số vấn đề hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý:

Thứ nhất, thiếu sự quản lý và giám sát đối với các mô hình trung gian. Nếu không có quy định rõ ràng về trách nhiệm của các đơn vị trung gian, các tổ chức cung cấp dịch vụ hạ tầng và hỗ trợ thương mại điện tử có thể không tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo mật, chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến môi trường giao dịch không an toàn, gây khó khăn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử.

Thứ hai, tồn tại những rủi ro về an toàn thông tin và an ninh mạng. Khi các đơn vị trung gian như nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các dịch vụ tiếp thị liên kết (affiliate marketing) có thể không có đủ cơ chế đảm bảo an toàn thông tin, gây ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng và các vấn đề liên quan đến bảo mật trong giao dịch điện tử.

Thứ ba, khi không có cơ chế hợp tác rõ ràng giữa các đơn vị trung gian và cơ quan quản lý nhà nước, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, như buôn bán hàng giả, hàng nhái, hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ trở nên phức tạp. Các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi và xử lý các hành vi vi phạm, làm giảm hiệu quả trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, quản lý hoạt động thương mại điện tử và các lĩnh vực liên quan khác.

Thứ tư, việc không có quy định về trách nhiệm của các đơn vị trung gian trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sẽ tạo ra sự phát triển không bền vững của thương mại điện tử. Việc thiếu rõ ràng trong quy định về trách nhiệm của các đơn vị trung gian có thể gây ra môi trường thương mại điện tử không ổn định, không có tính cạnh tranh lành mạnh, làm giảm sự tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào các nền tảng thương mại điện tử, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.

Đặc biệt, nhiều nền tảng có yếu tố nước ngoài hoạt động không phép ở Việt Nam, nơi trưng bày bán hàng giả, hàng nhái và thậm chí hàng cấm vào thị trường Việt Nam mà không có quy định để ngăn chặn kịp thời. Các đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau quản lý, do vậy khi yêu cầu gỡ bỏ hay ngăn chặn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ vi phạm cần phối hợp rất nhiêu khê.

Thứ năm, nhiều chủ quản nền tảng số thương mại điện tử không có đại diện pháp lý tại Việt Nam và không hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc ngăn chặn, xóa bỏ các thông tin hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật về thương mại điện tử. Các đối tượng có thể lợi dụng các nền tảng đặt tại nước ngoài để bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam mà không có biện pháp ngăn chặn, không có đầu mối liên hệ, gây khó khăn trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ sáu, nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như logistics, thanh toán, tiếp thị liên kết, hạ tầng kỹ thuật,… hợp tác, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nền tảng thương mại điện tử chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có chế tài để yêu cầu, xử phạt đối với các chủ thể này.

Trách nhiệm đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử
Dự thảo Luật Thương mại điện tử sẽ có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ

Bổ sung thêm các quy định trong Luật Thương mại điện tử

Để giải quyết vấn đề này, bà Lê Thị Hoàng Oanh cho biết, dự thảo Luật Thương mại điện tử đã đề xuất một số quy định về trách nhiệm của các chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, bao gồm: Dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; dịch vụ đánh giá tín nhiệm trong thương mại điện tử; dịch vụ tiếp thị liên kết; dịch vụ logistics cho thương mại điện tử; dịch vụ trung gian thanh toán cho thương mại điện tử.

Các chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử có trách nhiệm: Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể quyền để thực thi các biện pháp khi có vi phạm về thương mại điện tử xảy ra trên môi trường mạng; không hợp tác với các nền tảng số thương mại điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, việc quy định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể cung cấp dịch vụ hỗ trợ sẽ giúp ngăn chặn hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, từ đó tăng nguồn thu ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần mở rộng sự đa dạng dịch vụ, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Thêm vào đó, dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử còn mở ra cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, dịch vụ khách hàng, marketing số, logistics, tăng tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giúp giảm giá thành, cải thiện chất lượng dịch vụ. Người tiêu dùng cũng sẽ có thêm lựa chọn phù hợp với nhu cầu đa dạng…

Thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022).

Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ đôla Mỹ năm 2014 đến 20,5 tỷ đôla Mỹ năm 2023, trung bình tăng trưởng 20 - 30% cả giai đoạn, đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023.

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương