Không tổ chức bảo vệ rừng Nhà nước giao
Ngày 15/1/2020, UBND xã Lê Ninh, thị xã Kinh Môn kiểm tra hiện trạng mặt bằng phần diện tích đồi rừng thuộc phạm vi diện tích giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương phát hiện có 1 máy xúc biển hiệu K200 màu vàng đang xúc đất lên ô tô biển kiểm soát 34C- 246.29 màu xanh, trọng tải 20 tấn để chở đi nơi khác.
Tổ công tác yêu cầu chủ máy xúc và lái xe ô tô dừng lại để kiểm tra nhưng họ không phối hợp. Họ đề nghị tổ công tác làm việc với đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đông Hải 27- 7. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7 không phối hợp làm việc.
Chặt phá 5,7 ha đất rừng phòng hộ, khai thác trái phép gần 2 triệu m3 đất. Ảnh: Báo Hải Dương |
Ngày 26/2/2020, UBND xã Quang Thành tổ chức hội nghị với Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Trạm Quản lý rừng Kinh Môn và đã thống nhất sau hội nghị tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường việc thi công, xây dựng hạng mục bãi thải xỉ.
Tuy nhiên, UBND xã Quang Thành và các đơn vị liên quan không tiến hành kiểm tra tại hiện trường như đã thống nhất.
Khi nhiều hộ dân nhận khoán rừng có phản ánh việc Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7 thi công vào phần diện tích đất rừng chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng nằm ngoài ranh giới quy hoạch 5,7234 ha, UBND thị xã Kinh Môn, Hạt Kiểm lâm Kinh Môn, Ban Quản lý rừng và UBND các xã Quang Thành, Lê Ninh không tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, cho thuê; chưa có biện pháp để kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, dừng việc thi công của Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7 và xử phạt vi phạm hành chính về lâm nghiệp theo quy định.
Theo dõi diễn biến sự việc thấy, tình trạng chặt phá 5,7 ha rừng phòng hộ, khai thác gần 2 triệu m3 đất trái phép diễn ra rầm rộ, công khai trong thời gian dài khi thi công bãi thải xỉ thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương chủ đầu tư.
Thế nhưng, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương không kịp thời ngăn chặn, xử lý kéo dài suốt nhiều năm. Đến thời điểm thanh tra, nhiều sai phạm nghiêm trọng về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp đã hoàn thành, không có khả năng khắc phục.
Cần sớm xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan
Qua thanh tra cho thấy, các quyết định của UBND thị xã Kinh Môn thu hồi là 27,438 ha đất rừng, nhiều hơn 7,2375 ha đất rừng sản xuất so với Quyết định số 651/QĐ-UBND ngày 26/9/2019 của UBND tỉnh Hải Dương.
Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có hành vi chiếm đất nông nghiệp là đất rừng phòng hộ, diện tích 15,7305 ha, vi phạm quy định pháp luật.
Hành vi sử dụng 5,7234 ha đất rừng phòng hộ vượt ranh giới quy hoạch là hành vi lấn, chiếm đất, quy định tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013, Điều 14, 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Hành vi chặt, phá 5,7234 ha rừng phòng hộ nằm ngoài vị trí, ranh giới, diện tích theo quy hoạch được phê duyệt, vi phạm quy định tại Điều 9 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các quy định của pháp luật hiện hành.
Hành vi đào, bóc gỡ 1.952.976,82m3 đất trong khi chưa được UBND tỉnh cho phép là hành vi khai thác khoáng sản không có giấy phép khai thác, vi phạm Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ và Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Qua thanh tra xác định, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương và các nhà thầu tham gia thi công, xây dựng (tổng thầu Công ty Golden Keen Holdings Limited (EPC2); Công ty TNHH CTXD Điện lực An Huy 2; Công ty Cổ phần Phát triển Win Energy; Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7) không nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp trong quá trình thi công hạng mục bãi thải xỉ.
Sở Tài nguyên và Môi trường không kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý đối với những vướng mắc trong bàn giao mốc giới cho chủ đầu tư đối với diện tích đất đã được thu hồi và hoàn thành giải phóng mặt bằng theo đề nghị của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kinh Môn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở về công tác kiểm tra, giám sát những vi phạm về khai thác đất rừng, các sản phẩm về rừng còn hạn chế, chưa thường xuyên. Dẫn đến, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng và các cơ quan chuyên môn cấp dưới còn để xảy ra những vi phạm trong quản lý tài nguyên, khoáng sản và đất rừng phòng hộ.
UBND thị xã Kinh Môn chưa kiên quyết, kịp thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện tham mưu thực hiện việc cắm mốc giới quy hoạch xây dựng hạng mục bãi thải xỉ ra ngoài thực địa; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng... dẫn đến không kịp thời phát hiện các vi phạm như đã nêu trên.
UBND thị xã Kinh Môn, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng Hải Dương và UBND các xã Quang Thành, Lê Ninh thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp... theo phản ánh của nhiều hộ dân, cơ quan báo chí và trong quá trình thực hiện dự án.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
thanhtra.com.vn