Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa

26/03/2024 - 00:33
(Bankviet.com) Cùng với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, đến với Sầm Nưa (Hủa Phăn- Lào) du khách còn bị cuốn hút bởi nét văn hóa ẩm thực độc đáo nơi đây.
Mộc Châu - Sầm Nưa: Một cung đường hai điểm đến Hội nghị liên kết phát triển du lịch Sơn La - Hủa Phăn năm 2024 Khai mạc Ngày hội Du lịch văn hóa Sơn La- Hủa Phăn năm 2024

Đi du lịch chắc hẳn du khách nào cũng sẽ quan tâm ăn gì, ở đâu, món ăn có gì đặc sắc. Mặc dù có nhiều nét văn hóa tương đồng tuy nhiên đến với Sầm Nưa (Hủa Phăn - CHDCND Lào) du khách sẽ được trải nghiệm nhiều món ăn độc đáo, mới lạ của người dân địa phương.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Khu vực trung tâm thị xã Sầm Nưa - Tòa nhà Ủy ban chính quyền tỉnh Hủa Phăn

Những món ăn "độc, lạ"

Thay vì đến các nhà hàng, quán ăn tôi quyết định vào chợ trung tâm thị xã Sầm Nưa. Ở Sầm Nưa không có chợ xanh, chợ cóc như vẫn thường thấy ở các thành phố, thị xã của Việt Nam, mà mọi giao dịch kinh tế hầu hết đều diễn ra ở một khu chợ được bố trí nằm dọc theo hai bên bờ dòng Nậm Xam, với một bên chuyên bán hàng tổng hợp và một bên chuyên bán lương thực, thực phẩm.

Cùng đi với tôi có anh Tráng A Chu – Chủ homestay A Chu (Vân Hồ- Sơn La) và anh Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Truyền thông Khu du lịch Mộc Châu Happy Land.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Anh Tráng A Chu phỏng vấn người dân địa phương

Là người dân tộc Mông, anh Tráng A Chu khá thuận lợi trong giao tiếp với những người bán hàng ở Sầm Nưa. Tráng A Chu cho biết, đa phần người dân ở đây cũng là đồng bào dân tộc: Tày, Dao, Mông… ngôn ngữ có nhiều nét tương đồng với người Mông hay người Tày, Dao ở Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhờ Tráng A Chu phiên dịch tôi đã phần nào hiểu về đời sống của người dân địa phương và các món ăn được bán ở đây.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Chợ Sầm Nưa bày bán rất nhiều món ăn được chế biến từ thịt trâu, lợn, bò

Tại chợ Trung tâm thị xã Sầm Nưa du khách sẽ được “mãn nhãn” và thưởng thức nhiều món ăn “độc và lạ”.
Nếu như món măng luộc với vị ngọt, chua chấm kèm với vị cay của muối chẩm chéo mà nhiều du khách có thể trải nghiệm và thưởng thức. Du khách cũng có thể mua về làm quà các món ăn đặc trưng của người Lào tại Sầm Nưa các loại thịt khô, thịt hun khói được chế biến từ lợn, bò trâu. Ngoài ra các món ăn chế biến từ thịt như: Lạp sườn, xúc xích, hay mật trâu, mật bò và cả những món chuột khô, nhái xanh... cũng được bày bán rất nhiều.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Vào mùa xuân măng luộc được bày bán rất nhiều ở Sầm Nưa

Anh Lê Trung Hiếu cầm món mật trâu lên rồi cười nói “đặc sản” đấy. Người dân địa phương rất thích món này nhưng phải biết cách làm”. Quả thực tôi chẳng dám thử món “ngon” đó.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Anh Lê Trung Hiếu với 2 cái mật trâu - một món ăn đặc sản ở Sầm Nưa

Bên cạnh các món ăn chế biến từ thịt, Sầm Nưa còn nổi tiếng với các món ăn từ gạo nếp. Nếu như người Việt ăn cơm gạo tẻ thì người Lào là cơm nếp (xôi), do vậy các món bánh được làm từ gạo nếp là nét đặc trưng mà du khách có thể dễ dàng nhận thấy khi đến với chợ Sầm Nưa. Du khách có thể thưởng thức các món bánh được chế biến phong phú đa dạng, nhiều hương vị khác nhau với giá thành rất rẻ.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Chợ Sầm Nưa bán rất nhiều loại bánh làm từ gạo nếp

Rời khỏi chợ Sầm Nưa sau khi đã thưởng thức các loại bánh từ ngọt đến mặn, từ màu xanh đến tím... tôi trở về khách sạn với một tâm trạng “thỏa mãn” của người yêu thích ẩm thực và trông chờ những món “lạ” tiếp theo của” bữa cơm tối” đầu tiên trên đất Hủa Phăn.

Bữa tối chúng tôi được thưởng thức Lẩu nướng theo phong cách của người dân địa phương. Lẩu nướng vẫn kèm lẩu nước với thiết kế nồi lẩu phù hợp cho 2 trong 1. Đồ nướng khá đa dạng phong phú, chủ yếu là các loại nông sản của địa phương như: Bò, gà, lợn, nấm và rau, ngoài ra một số loại hải sản được nhập khẩu từ Thanh Hóa và Hà Tĩnh của Việt Nam. Du khách vừa thưởng thức món lẩu cùng với vài chai bia Lào thì đây sẽ là trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình khám phá Sầm Nưa.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Món Lẩu nướng với các sản vật tại địa phương

Là người có kinh nghiệm dẫn nhiều đoàn tour đến với Sầm Nưa, anh Nguyễn Văn Thắng- Hướng dẫn viên Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Tiên Phong cho biết: Ở Sầm Nưa không có quá nhiều hàng quán nhưng du khách hoàn toàn yên tâm, ở đây “không có hiện tượng chặt chém”, người dân địa phương rất nhiệt tình và hiếu khách.

Du khách đến với Sầm Nưa có thể đổi tiền Việt sang đồng Kíp Lào, giá trị tiền Việt và đồng Kíp chênh lệch không nhiều. Tùy từng thời điểm, trung bình giá 1 đồng Việt Nam tương đương từ 0,8-0,9 Kíp Lào. Trong trường hợp du khách không đổi sang tiền Kíp thì tại nhiều điểm mua sắm ở Sầm Nưa đặc biệt khu chợ Trung tâm thị xã Sầm Nưa người bán hàng vẫn nhận tiền Việt Nam.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Du khách có thể tìm một số cửa hàng của người Việt Nam để đổi tiền

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, ở Sầm Nưa khá đông người Việt sang sinh sống và làm ăn, chủ yếu là ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Lai Châu.... Có người là thế hệ đầu nhưng nhiều người là thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở Sầm Nưa.

Mua quà gì về Việt Nam?

Chợ Sầm Nưa không có nhiều hàng hóa như tôi tưởng, chủ yếu là các sản phẩm thủ công truyền thống của người Lào, còn lại là hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Vì đây là tỉnh có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng nhất của Lào, với những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao, nên nếu đi chợ Sầm Nưa mà không thăm quan các sạp hàng bán đồ thổ cẩm thì quả là một thiếu sót.

Lần thứ hai quay trở lại chợ Sầm Nưa, dẫn tôi đi lên tầng 2 chuyên bán quần áo, đồ bạc, giày dép, bạn Lò Thị Hương công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La chỉ vào những sạp hàng bán trang phục của phụ nữ Lào cho biết: Sầm Nưa nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, những bộ trang phục này giá không quá cao, mỗi khi có dịp sang Sầm Nưa chúng em đều mua từ 3 bộ có khi cả chục bộ trang phục của phụ nữ Lào để về làm quà hoặc cho mình.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Những sạp hàng quần áo với đa dạng các sản phẩm truyền thống, hiện đại

Dẫn tôi vào một sạp hàng chuyên bán đồ thổ cẩm tại chợ Sầm Nưa, chị Hương nói, hầu hết những phụ nữ nổi tiếng của Lào, đặc biệt là những người dẫn chương trình trên Đài truyền hình Lào đều mua vải thổ cẩm ở Sầm Nưa về may váy áo truyền thống. "Thổ cẩm Sầm Nưa cũng nổi tiếng không kém gì lụa Hà Đông của Việt Nam đâu", Hương nói thêm.

Đi cùng tôi, anh Trần Duy Tùng phóng viên của Báo Sơn La mua đến 4 bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Lào. Anh Tùng bảo mấy bộ này mua về làm quà cho mẹ. Ở Sơn La có rất nhiều tổ dân vũ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nên những trang phục này mẹ tôi dùng khi đi biểu diễn hoặc giao lưu văn nghệ.

Trải nghiệm ẩm thực ở Sầm Nưa
Chị Lò Thị Hương (đầu tiên bên trái) giúp chúng tôi trả giá với người bán hàng

Vào chợ Sầm Nưa du khách cũng có thể mua cho mình một bộ trang phục dân tộc của người Lào. Giá thành khá rẻ tùy từng chất liệu nhưng dao động khoảng 140.000-160.000 Kíp tương đương 160.000-190.000 đồng Việt Nam. Du khách có thể mặc cả với người mua hàng, nhưng ở đây người bán thường không nói thách nên số tiền mặc cả được giảm không nhiều.

Giày dép cũng là những mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt dép Lào hay nhiều người gọi là “tông Lào”- sản phẩm đã từng gắn bó một thời gian dài của nền kinh tế bao cấp và những năm đầu đất nước đổi mới của Việt Nam, nay đến với Sầm Nưa mọi người có thể mua được những sản phẩm tốt giá chỉ chưa đến 100 nghìn đồng/ đôi.

Tuy nhiên, khi hỏi có thể mua gì mang về Việt Nam làm quà mà có nét đặc trưng của Lào, chị Hương cho biết, nhiều người mua quả me, thịt khô, nhưng cũng có người mua bia Lào hay rượu...tùy vào sở thích của mọi người.

Thị xã Sầm Nưa diện tích không lớn, cuộc sống ở Sầm Nưa không hiện đại, không hối hả, vội vã. Mặc dù chỉ ở Sầm Nưa có 2 ngày nhưng với nhịp sống yên bình nơi đây khiến tôi không muốn rời xa. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại Sầm Nưa trong một ngày không xa.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương