Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, sáng ngày 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp thúc đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giả, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới….
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính |
Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu, nghị trường Quốc hội đã nóng lên với những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu; giá xăng dầu…
Thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, thị trường chứng khoán đang có phát triển đáng kể nhưng cũng có những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. “Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường này, Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán, có giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”, đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi.
“Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp để tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua”, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Trả lời các câu hỏi trên của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những năm qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.
Dù thị trường đã phát triển tốt, tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định thực tế: “trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng”.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe…
Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra. Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm trong khi thi hành công vụ.
Các đại biểu Quốc hội tham gia Phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Bên cạnh đó, Bộ cũng rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Trong công tác truyền thông, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.
Tranh luận gay gắt về quản lý giá xăng, dầu
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu về quản lý giá xăng dầu, cũng như giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp… Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn.
Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, đặt ra vấn đề có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh giảm thuế cũng cần thực hiện đồng bộ các chính sách bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu thì không hiệu quả; mặt khác giá không chỉ phụ thuộc thuế mà còn quan hệ cung cầu; đồng thời cần đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý giá xăng dầu |
Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về điều hành giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng, cần can thiệp đúng mức, làm sao để giảm tối thiểu với giá rẻ nhất so với các nước xung quanh. “Nước ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nên nếu can thiệp quá nhiều thì nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá tăng - giảm theo hướng tự nhiên theo thế giới. Có can thiệp thì cũng chỉ can thiệp phần nào. Nếu giá như thế này thì sẽ ảnh hưởng xuất khẩu”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nêu quan điểm.
Giải trình làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá, do Nhà nước bình ổn, do vậy đến một lúc nào đó, Nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu.
Giảm được giá xăng dầu có rất nhiều lợi ích: giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh, thúc đẩy vấn đề giải quyết được lao động và từ đó sẽ có tích lũy cho cho nền kinh tế. Và Bộ Tài chính lại thu được thuế thông qua tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế VAT, thu nhập doanh nghiệp và các mặt hàng khác. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng đây cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.
Qua những câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn về giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ vấn đề đại biểu nêu, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong việc tính giá cơ sở là trách nhiệm của ai, có phải của Chính phủ không? Thuế nhập khẩu trong tính giá cơ sở không phải khi nào cũng là trách nhiệm của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngoài các công cụ về thuế, vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng chịu tác động như: ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông vận tải, cho người nghèo, người thu nhập thấp… phải nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.
Các TCTD khi tham gia các thị trường vốn đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật về chứng khoán và ngân hàng
Giải trình làm rõ về sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá trong kiềm chế lạm phát được các đại biểu quan tâm trong Phiên chất vấn và trả lời chất về lĩnh vực tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, kiểm soát lạm phát là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước thì phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề này. Trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức kiểm soát được, mức tăng giá liên quan đến giá hàng hóa thế giới. Thời gian tới, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô, cũng như là tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn, đặc biệt cần kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá. Thống đốc NHNN cho biết, thông qua Ban chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phân tích sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra những kết hợp chính sách phù hợp. Đối với các vấn đề liên quan đến điều hành thị trường tiền tệ được đại biểu quan tâm. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng vừa qua, NHNN đã theo dõi rất sát diễn biến và có những sự điều tiết linh hoạt góp phần ổn định lãi suất, tỷ giá và thanh khoản của toàn hệ thống… qua đó góp phần giúp thị trường tiền tệ duy trì khá ổn định. Còn với những vụ việc tiêu cực trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính đánh giá, rà soát kỹ lưỡng. Qua rà sát, NHNN đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho các TCTD khi tham gia các thị trường vốn đều phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật về chứng khoán và ngân hàng. |
Ngô Hải