Lừa đảo du lịch cuối năm “vào mùa”: “Lá chắn” nào để bảo vệ cộng đồng? ‘‘Chiêu trò’’ lừa đảo bằng hình thức đi du lịch Hàn Quốc ‘Sập bẫy’ lừa đảo du lịch qua mạng: Đừng ham giá rẻ |
Mạo danh fanpage, lừa đảo đặt phòng nở rộ
Thời gian gần đây, không ít du khách phản ánh bị lừa đảo khi đặt phòng trực tuyến qua các trang mạng xã hội giả mạo. Thủ đoạn thường thấy là kẻ gian lập fanpage hoặc website trùng tên với các khách sạn nổi tiếng, đăng tải hình ảnh, review và chương trình khuyến mại “sốc” để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Sau đó, chúng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc rồi… “bặt vô âm tín”.
Không chỉ làm mất tiền của khách, các hành vi này còn gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của ngành du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú bị mạo danh. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, ngay cả những khách sạn hoạt động lâu năm, có lượng khách ổn định cũng không tránh khỏi việc bị “sao chép” trắng trợn trên mạng xã hội.
![]() |
Các bungalow của Bái Tử Long Mountain Resort |
Các đối tượng lừa đảo thường tạo ra các website, fanpage giả mạo các cơ sở du lịch uy tín, sử dụng nhiều chiêu thức giảm giá, khuyến mại ảo, yêu cầu khách hàng chuyển tiền đặt cọc... nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh ngành du lịch mà còn gây phẫn nộ trong xã hội.
Nguyên nhân được cho là do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, việc đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng trực tuyến trở thành lựa chọn phổ biến vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn tạo ra các website, trang fanpage giả mạo. Những trang giả mạo này có giao diện rất khó phân biệt với các fanpage chính thống của khách sạn/villa, khu nghỉ dưỡng, homestay có thương hiệu nổi tiếng ở các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Bài học từ Glenda Tower Mộc Châu: Có bảo hộ, có giải pháp
Một trong những đơn vị tiên phong trong việc xử lý thành công vấn nạn lừa đảo này là Công ty Vietorient Hospitality – đơn vị chuyên tư vấn, setup và quản lý khách sạn.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Tổng giám đốc Vietorient Hospitality cho biết, trường hợp Glenda Tower Mộc Châu là một bài học đắt giá và cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chủ động bảo hộ thương hiệu từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được tình hình.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Quảng chia sẻ kinh nghiệm trong chống lừa đảo tiền đặt cọc du lịch |
“Khi phát hiện fanpage giả mạo có lượng review cao gấp 2–3 lần fanpage thật, chúng tôi ngay lập tức làm việc với Facebook. Rất may là fanpage chính thức của chúng tôi đã được gắn với hồ sơ bảo hộ thương hiệu, nên Facebook xử lý rất nhanh. Trang giả mạo đầu tiên bị dập, và cứ mỗi lần kẻ gian tạo ra fanpage mới, Facebook lại gỡ bỏ ngay nhờ cơ sở pháp lý rõ ràng”, ông Quảng chia sẻ.
Vì sao nhiều khách sạn “bó tay”?
Theo ông Quảng, đa phần các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ hoặc mới khởi nghiệp thường không quan tâm tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ, cho rằng đây là thủ tục rườm rà hoặc chưa cần thiết. Nhưng chính sự chủ quan này khiến họ lúng túng, thậm chí “bất lực” khi bị giả mạo.
“Facebook chỉ bảo vệ bạn khi bạn có căn cứ pháp lý rõ ràng để chứng minh bạn là chủ sở hữu thương hiệu. Nếu không, dù bạn cố gắng hết sức cũng không ai xử lý giúp bạn cả”, ông Quảng thông tin.
Thực tế, một khi thương hiệu chưa được bảo hộ, việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ thông tin giả mạo rất khó khăn, tốn thời gian và tiềm ẩn nguy cơ “mất khách thật, giữ khách giả”.
Điều đáng chú ý là ngay cả khi có bảo hộ thương hiệu, kẻ gian vẫn không dừng lại. Ông Quảng cho biết: “Sau khi trang website giả đầu tiên bị xoá, chỉ vài ngày sau lại có 3 trang mới được lập. Nhưng nhờ hồ sơ bảo hộ được cập nhật liên tục, chúng tôi gửi khiếu nại lần 2, Facebook xác định ngay đó là hành vi tái phạm và tiếp tục xoá trong thời gian ngắn.”
Việc xử lý cần vừa có hồ sơ pháp lý vững chắc, vừa có đội ngũ phản ứng nhanh. Với những cơ sở đã qua một lần bị mạo danh, họ càng thấm thía giá trị của việc đầu tư bài bản vào bảo vệ thương hiệu và chuẩn hóa thông tin chính thống.
![]() |
Việc đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ giúp các cơ sở lưu trú xây dựng thương hiệu du lịch bền vững trong môi trường số. |
Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để ngăn chặn tình trạng lừa đảo du lịch trên diện rộng, bên cạnh việc nâng cao ý thức người tiêu dùng, thì các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng và bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ không chỉ là biện pháp phòng vệ, mà còn là bước đầu tiên trong hành trình xây dựng thương hiệu du lịch bền vững trong môi trường số.
"Cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các sở du lịch và hiệp hội ngành, cũng cần đóng vai trò kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp – từ việc hướng dẫn thủ tục bảo hộ, cung cấp thông tin cảnh báo lừa đảo, đến việc phối hợp với nền tảng số để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp"- ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh. |