Nhiều nội dung mới …
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Ban tuyên giáo Trung ương (BTGTW) chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương (BKTTW) Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Báo cáo nội dung chủ yếu của Nghị quyết 41-NQ/TW, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Trong suốt thời kỳ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Sau hơn 10 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW trình Bộ Chính trị thông qua và thống nhất ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 với nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới.
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được Bộ Chính trị khóa XIII ban hành và tổ chức triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đang nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 DN đang hoạt động, nền kinh tế còn có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã, và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người.
Tuy nhiên, việc xây dựng cộng đồng doanh nhân cũng còn những tồn tại, hạn chế. Nghị quyết 41-NQ/TW đã chỉ ra sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 còn yếu. Còn một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ, công chức viên chức suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Cơ hội lớn chưa từng có
Theo Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công, Đảng đoàn VCCI đã căn cứ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết 41-NQ/TW; căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW và căn cứ Chức năng, nhiệm vụ của VCCI để xây dựng và ban hành Chương trình hành động để lãnh đạo, định hướng các hoạt động của VCCI trong triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW.
“Nghị quyết 41-NQ/TW đã tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang đứng trước những cơ hội lớn chưa từng có. Để giúp doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội này, chúng ta cần tạo những điều kiện tốt nhất thông qua việc cụ thể những nội dung của Nghị quyết thành các chương trình hành động”- Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời bày tỏ tin tưởng, cùng với chương trình hành động của Chính phủ, khoảng 35/63 tỉnh/thành ủy, một số ban ngành trung ương và VCCI, sau hội nghị này, tất cả các đơn vị còn lại sẽ quan tâm xây dựng chương trình hành động để Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống để góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Hiến kế để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho rằng cần xác định nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, VCCI đưa ra 7 mục tiêu đến năm 2030.
Thứ nhất là, xây dựng và triển khai các quy ước, quy tắc về ứng xử và đạo đức kinh doanh, hình thành hệ giá trị và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Thứ hai là, hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các DN lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh. Có khoảng 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, khoảng 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Thứ ba là, hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh cho 200.000 lượt doanh nhân, DN, tập trung vào DN vừa và nhỏ, doanh nhân nữ, doanh nhân khởi nghiệp, doanh nhân trẻ.
Thứ tư là, hỗ trợ hội nhập, kết nối và xúc tiến hợp tác quốc tế cho 30.000 lượt doanh nhân, DN.
Thứ năm là, xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp cao của các DN, góp phần thực hiện Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 500 lãnh đạo cấp cao của các DN lớn và 5.000 doanh nhân lãnh đạo kế cận.
Thứ sáu là, tiếp tục triển khai Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) hàng năm, góp phần xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, DN phát triển và cống hiến.
Thứ bảy là, vận động, thu hút 5.000 DN áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI).
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân
Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có những đóng góp quan trọng của trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
“Những năm qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc… Tuy nhiên, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay vẫn đang còn nhiều hạn chế, điều này đặt ra những yêu cầu về việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới…” Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết đã đề ra; chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; đề nghị mỗi doanh nhân phải luôn đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần vì cộng đồng, tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.
Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức, triển khai thực hiện; chú trọng theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra; chuẩn bị thật tốt các điều kiện, nguồn lực với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn để thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
Thanh Thanh