Theo báo cáo đánh giá triển vọng ngành ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng cao trong năm 2022.
Lợi suất danh mục cho vay toàn ngành quý IV tăng lên mức 7,92% (+0,6 điểm %QoQ và 1,17 điểm %YoY) nhờ tái định lại lãi suất theo nền lãi suất huy động mới, đồng thời room tín dụng 9 tháng đầu năm 2022 hạn hẹp cũng góp phần làm tăng lãi suất cho vay từ quý III. Ngân hàng Nhà nước đã có 2 đợt tăng lãi suất điều hành với tổng mức tăng lên tới 2 điểm % đã khiến mặt bằng lãi suất huy động tăng cao trong quý IV.
Tất cả các ngân hàng đã phải điều chỉnh từ 1,5-2 điểm % lãi suất huy động tuy nhiên điều này cũng giúp toàn ngành bổ sung nguồn vốn để giảm áp lực thanh khoản. Lãi suất huy động tăng tập trung ở tháng 11 và 12 nên chi phí đầu vào bình quân vẫn chưa phản ánh hết tác động, chỉ tăng 0,74 điểm % theo quý và đạt 4,55%. NIM quý IV từ đó giảm nhẹ so với quý III xuống mức 3,84%.
Tính chung cả năm 2022, biên lãi thuần toàn ngành vẫn tăng khoảng 0,21 điểm % so với cùng kỳ, đạt 3,81% nhờ vẫn được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp trong 9 tháng đầu năm 2022. Tổng thu lãi thuần của các ngân hàng niêm yết đạt 430.632 tỷ đồng, tăng 23,6%YoY. Tổng thu ngoài lãi vẫn được dẫn dắt bởi thu dịch vụ bù đắp cho việc lỗ khoảng 761 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh. Tổng thu hoạt động cả năm đạt 555.000 tỷ đồng (+20,6%YoY). Chi phí hoạt động ghi nhận mức tăng tương ứng 20,6%YoY và chi phí tín dụng đi ngang so với cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận trước thuế toàn ngành 2022 đạt 246.750 tỷ đồng, tăng mạnh 34%YoY (cùng kỳ tăng 33,5%).
Chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng đang có dấu hiệu kém đi khi tỷ lệ nợ xấu năm 2022 (của 27 ngân hàng đang được niêm yết) đạt 1,61%, tăng 0.23 điểm % theo năm. Nợ nhóm 5 ghi nhận tăng mạnh nhất ở mức 62%YoY, nhóm 3 và 4 lần lượt tăng 16.9%YoY và 23.6%YoY. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 toàn ngành tăng tới 77,5%YoY.
Lý do chính của xu hướng này một phần đến từ nợ tái cơ cấu theo Thông tu 14, một phần khác phản ánh sức khỏe của các doanh nghiệp vốn đã yếu hơn sau 2 năm đại dịch lại tiếp tục bị bào mòn bởi môi trường lãi suất cao (do room tín dụng hạn hẹp và tăng lãi huy động) cùng các khoản trái phiếu khổng lồ đang tới thời gian đáo hạn.
Các ngân hàng có nợ nhóm 2 tăng bằng lần có thể kể đến như TCB (x4 lần), STB (x3,7 lần), CTG (x2,5 lần), SSB (x2,7 lần). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành dù giảm so với 2021 nhưng vẫn duy trì ở mức cao 123,4%. VCB vẫn đứng đầu ngành về tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu, đạt 317,4%, CTG và BID cũng thuộc top đầu về bao phủ nợ xấu, lần lượt là 188.4% và 216,8%. Đối với nhóm Ngân hàng TMCP tư nhân thì MBB, ACB và BAB đang là các ngân hàng có tỷ lệ LLCR cao nhất.
KBSV đánh giá ngành ngân hàng trong quý II sẽ gặp phải một số khó khăn.
Thứ nhất, các ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng trong quý II do room tín dụng ít hơn cùng kỳ và vấn đề thanh khoản có thể kích hoạt lại khi khoảng cách giữa tín dụng và cung tiền vẫn rất lớn.
Khoảng cách giữa tăng trưởng cùng tiền và tín dụng đang có dầu hiệu tăng trở lại trong 2 tháng đầu năm nay do cung tiền chỉ tăng 0,05% từ đầu năm thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,77% của tín dụng. Do đó, kỳ vọng các ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động trong quý II với nền lãi suất huy động mới được điều chỉnh giảm.
Thứ hai, NIM quý II vẫn sẽ chịu áp lực chi phí vốn cao do ngân hàng chủ yếu huy động vào quý IV năm trước và lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới.
Thứ ba, về chất lượng tài sản, sẽ phải quan sát thêm phần nợ nhóm 2 trong báo cáo tài chính quý I để đánh giá tác động nhưng hiện tại có thể thấy đây là rủi ro tiềm ẩn.
Thứ tư, áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ tập trung vào quý II và quý III năm nay sẽ càng bào món đi sức khỏe của doanh nghiệp dù Nghị định 08 đã có những bước tiến trong việc tạo hành lang pháp lý cụ thể để doanh nghiệp và trái chủ có thể thống nhất phương án giải quyết.
KBSV duy trì quan điểm trung lập với ngành Ngân hàng trong quý II /2023. Các cổ phiếu ngân hàng được lựa chọn vẫn sẽ là BID, VCB, ACB, MBB, STB.
Đối với nhóm Ngân hàng có vốn Nhà nước, KBSV đánh giá cao VCB vì sự an toàn và ổn định trong hoạt động; BID là một trong những ngân hàng vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ chuyển đổi số và tăng cường khai thác mảng bán lẻ.
Đối với nhóm Ngân hàng TMCP tư nhân thì ACB đang là một trong những lựa chọn hàng đầu nhờ vị thế vững chắc trong cho vay bán lẻ cùng chiến lược kinh doanh đầy thận trọng; STB cũng sở hữu vị thế trong cho vay bán lẻ, độ phủ chi nhánh đứng thứ 5 toàn ngành hứa hẹn sẽ có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội sau khi xử lý xong VAMC; MBB vẫn thuộc danh sách lựa chọn của chúng tôi nhờ vị thế đầu ngành về CASA sẽ giúp tiết kiệm chi phí vốn.
Mặc dù vậy, KBSV vẫn đánh giá nhóm Ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự hồi phục tốt từ tháng 11/2022 đến 1/2023 với những thông tin tích cực từ room tín dụng mới, kết quả kinh doanh quý IV vẫn khả quan và vấn đề thanh khoản tạm thời đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, tính từ đầu 2023 giá cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng đã có sự điều chỉnh mạnh sau thông tin nhiều doanh nghiệp bất động sản đang mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu. Định giá PB ngành Ngân hàng đang ở mức 1,52 lần, giao dịch ngay trên đường -1Std. Trong khi đó khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) toàn ngành đạt 20,67% - trên mức trung bình 10 năm 15,4%.
Ngoài ra, KBSV nêu rủi ro ngành ngân hàng có thể đối diện gồm có: (1) nợ cần chú ý không quay trở lại nhóm 1 và có xu hướng tăng nhanh hơn trong quý II; (2) Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục khó khăn trong việc trả lãi khiến ngân hàng phải trích lập cho danh mục trái phiếu.
KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023 KBSV cho rằng, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là yếu tố cần lưu ý đối với thị trường chứng khoán ... |
KBSV: Vẫn còn nhiều rủi ro với cổ phiếu ngành thép Trong báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành thép vừa cập nhật, Chứng khoán KBSV nhấn mạnh, nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục suy ... |
Chứng khoán MBS chỉ ra thông tin tích cực đối với thị trường trong tuần mới? Thị trường chứng khoán trong nước vừa khép lại một tuần, một tháng và quý đầu tiên của năm 2023 với một “nốt thăng”. Chỉ ... |
Đức Anh