BRICS là tên gọi của khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Theo Mikhail Shulgin, việc tạo nên đồng tiền chung có thể tránh được rủi ro cả về tài chính và cơ sở hạ tầng đối với các loại tiền tệ riêng lẻ của các quốc gia BRICS. Giá trị quan trọng trong môi trường hiện tại là bảo vệ các nước BRICS khỏi những rủi ro liên quan đến việc thanh toán bằng USD và euro.
Các nước BRICS, với nguy cơ hứng chịu các lệnh trừng phạt, có động lực để “phi đô la hóa” các khoản thanh toán quốc tế nhằm giảm thiểu rủi ro về nhiều mặt. Trong lịch sử, cả 5 thành viên của khối đều đã từng phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ. Sự không hài lòng chung của 5 nước thành viên sẽ là động lực mạnh mẽ để họ hành động theo hướng “phi đô la hóa”.
Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), ngân hàng phát triển đa phương của các quốc gia khối BRICS, rất có thể trở thành nhà phát hành đồng tiền chung BRICS. NDB đã huy động vốn bằng đồng tiền của các nước trong khối, triển khai chương trình cho vay bằng những đồng tiền này. Chương trình này không chỉ giúp các nước thành viên giảm rủi ro về ngoại hối mà còn hỗ trợ sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Theo cơ cấu cổ đông hiện tại của NDB, mỗi nước BRICS sở hữu khoảng 20% cổ phần. NDB đã đóng băng mọi hoạt động với Nga sau khi chiến dịch quân sự ở Ukraine diễn ra. Vào tháng 3/2022, Fitch xếp hạng của NDB ở mức AA+, hạ triển vọng xếp hạng từ ổn định xuống tiêu cực.
Lịch sử từng biết đến nhiều ví dụ về "tiền tệ siêu quốc gia", cả thành công (SDR, ECU) lẫn không thành công (Sucre). Tất nhiên, cần nhắc đến "đồng rúp chuyển nhượng", đồng tiền thanh toán bù trừ đa phương, đồng thời là phương tiện thanh toán và tích lũy để thực hiện các khoản thanh toán nhiều bên của các nước thành viên Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV). Đồng rúp chuyển nhượng được sử dụng từ năm 1964 đến năm 1990. Tổ chức phát hành đồng rúp chuyển nhượng là Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC).
Mặc dù thực tế là dự án này đã thành công, nhưng đồng tiền dự trữ mới của BRICS khó có thể giống với đồng rúp chuyển nhượng. Giá trị của đồng rúp chuyển nhượng được duy trì cố định trong một thời gian nhất định, và điều này có cơ sở là giá cả hàng hoán trong nền kinh tế ổn định. Trên thực tế, đồng rúp chuyển nhượng được hỗ trợ không phải bằng vàng, mà bằng sức mua tương đương hay bằng cách so sánh giá của cùng một loại hàng hóa và dịch vụ bằng đồng tiền này và đồng tiền tệ quốc gia.
Trong nền kinh tế thị trường, dưới tác động của sự dịch chuyển xuyên biên giới của hàng hóa, dịch vụ, vốn và dân cư, tỷ giá hối đoái của các đồng tiền quốc gia luôn biến động nên đồng tiền siêu quốc gia không thể ổn định trong thời gian dài. Nó phải được điều chỉnh. Nếu không, giả sử, khi đồng real của Brazil trở nên rẻ hơn nhiều, trong khi tỷ giá của đồng tiền dự trữ BRICS (nếu nó được tạo ra theo cách tương tự với đồng rúp chuyển nhượng) ổn định, người mua từ các quốc gia BRICS khác sẽ cố gắng mua hàng hóa ở Brazil bằng cách chuyển đổi tiền tệ của họ sang đồng real và không thông qua hệ thống thanh toán bù trừ đa phương được cung cấp bởi tiền tệ siêu quốc gia. Do đó, tỷ giá của tiền tệ siêu quốc gia nên được gắn với tỷ giá của tiền tệ quốc gia. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong việc hình thành tiền tệ dự trữ trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước BRICS. Và đây hoàn toàn không phải là đồng rúp chuyển nhượng. Nó giống nhiều hơn với đồng ECU (tiền thân của đồng euro), SDR.
Theo Shulgin, lịch sử phát triển của hệ thống tiền tệ thế giới đã chỉ ra rõ ràng rằng, sự phụ thuộc nhiều vào một loại tiền tệ quốc gia cụ thể trong thời gian dài dẫn đến nghịch lý Triffin (Triffin dilemma), vì lẽ đó, đã xuất hiện một loại tiền tệ như SDR.
Bởi vậy, một đồng tiền dự trữ mới không thể được xây dựng dựa trên đồng tiền quốc gia cụ thể, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, làm tiền tệ cơ bản. Ngoài ra, việc xây dựng đồng tiền dự trữ dựa trên một đồng tiền duy nhất đòi hỏi tính chuyển đổi và lưu thông tự do, điều mà cho đến nay, chưa có đồng tiền nào của các nước
BRICS cần đáp ứng yêu cầu một cách đầy đủ. Điều này ngụ ý rằng, tỷ trọng của mỗi đồng tiền của các quốc gia thuộc BRICS phải là đáng kể, không mang tính biểu tượng.
Về mặt kỹ thuật, để tạo ra nền tảng cho tiền dự trữ và công thức tính toán của nó với sự phân bổ trọng số hiệu quả là một nhiệm vụ hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể làm được trong một thời gian tương đối ngắn. Vấn đề quan trọng là động lực của các nước BRICS và tính cấp thiết của đồng tiền dự trữ này. Nga rõ ràng có động lực mạnh mẽ để đối phó với áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây. Thặng dư thương mại khổng lồ của Nga vốn được cân bằng bởi dòng vốn chảy ra, điều này là không thể trong thực tế hiện nay. Động lực của những thành viên còn lại của BRICS cho đến nay vẫn còn mơ hồ.
Các thành viên BRICS không có chung quan điểm về phi đô la hóa ở cấp độ nhóm, cũng như không có cùng ý thức cấp bách phải ưu tiên phi đô la hóa. Tất cả đều quan tâm đến việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, nhưng không phải nước nào cũng muốn tách khỏi hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Hầu hết các thành viên BRICS vẫn nắm giữ một lượng lớn tài sản bằng USD trong kho dự trữ, vì vậy, sự suy yếu của đồng USD cũng gây tổn hại cho họ.
Do đó, các nước BRICS phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, mặc dù muốn có một giải pháp thay thế cho đồng USD, nhưng việc USD giảm giá cũng sẽ làm giảm giá trị của một lượng lớn tài sản bằng USD của họ.
"Các nước cần phải cân bằng giữa mong muốn có được ảnh hưởng quốc tế lớn hơn và quyền tự chủ tài chính cũng như chi phí vật chất của việc làm suy yếu vị thế thống trị của đồng USD. Sự cân bằng này là một vấn đề quan trọng không chỉ đối với BRICS, mà còn có ý nghĩa chính trị trực tiếp cho các quốc gia và các tổ chức khu vực khác”, Shulgin kết luận.
Nguyễn Đình Trung