Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 trong mắt các tổ chức quốc tế

16/01/2024 - 22:37
(Bankviet.com) Năm 2024, dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động nhưng với những kết quả đã đạt được trong năm 2023 cùng thành công trong công tác đối ngoại, các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục vững vàng tăng trưởng với GDP từ 6% trở lên.
gdp.png
Các tổ chức quốc tế lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Lạc quan với chỉ số tăng trưởng GDP

Cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7% trong năm 2024 (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm). Đây là mức tăng trưởng cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội Việt Nam giao (6-6,5%).

Các chuyên gia của Standard Chartered cho biết, dự báo này dựa trên kết quả đạt được trong năm 2023. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 được hỗ trợ bởi một số điểm thuận lợi. Đó là kinh tế vĩ mô giữ ổn định, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả đã giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn. Khu vực nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Khối ngành dịch vụ đang từng bước phục hồi với điểm sáng là hoạt động du lịch. Ngoài ra, hoạt động công nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Cùng với đó, Chính phủ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức 6%. ADB cũng dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Thái Bình Dương tăng trưởng trong năm 2023 là 4,9%, so với mức dự báo trước đó là 4,7% (trong tháng 9/2023); tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm 2024.

Mới đây, Ngân hàng UOB cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6% trong năm 2024. Với mức dự báo này, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam sẽ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines (6,5%).

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho rằng xuất khẩu, thu hút FDI sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong năm 2024, đồng thời khẳng định Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore luôn dẫn đầu về thu hút FDI, sau đó đến Indonesia và thứ ba là Việt Nam.

Trong khi đó, trang Bloomberg (Mỹ) đã thực hiện một cuộc khảo sát và cho kết quả nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng 6,3% trong quý I/2024 và 6,5% trong quý II/2024. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6% trong năm 2024 và 6,4% trong năm 2025.

Bloomberg dẫn ý kiến giới chuyên gia nhận định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á giảm chi phí đi vay trong năm 2023 và có thể duy trì mức lãi suất chuẩn ổn định trong năm 2024.

Không còn ở mức 6%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5,8%, đứng thứ hai trong khu vực. Cũng theo tổ chức này, Philippines vẫn là quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực năm 2024, ở mức 5,9%.

Kém lạc quan hơn, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 5,5%, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ thấp hơn Philippines (5,8%).

Khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB nhận định, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh. Tuy nhiên, cần khai phá thêm các lợi thế cạnh tranh khác bởi Việt Nam cũng sẽ sớm phải đối mặt với già hoá dân số. Cụ thể, Việt Nam nên xác định các lĩnh vực thế mạnh muốn tập trung thu hút FDI, từ đó có chiến lược và giải pháp phù hợp.

Chuyên gia của UOB cho rằng, trong trung hạn và dài hạn, Việt Nam cần tăng cường cải thiện năng suất và hiệu quả lao động. Tại Singapore, hằng năm chính phủ đều thảo luận để tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động, qua đó tăng cường tính cạnh tranh của quốc gia. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi.

Về đầu tư công, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu của Tập đoàn UOB đánh giá cơ cấu chi tiêu chính phủ của Việt Nam vẫn đang ở mức hợp lý, tập trung vào cơ sở hạ tầng, nợ công khoảng 34% GDP tạo nhiều dư địa để Việt Nam mở rộng chính sách tài khoá.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, chuyên gia UOB khuyến nghị Việt Nam đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và khoa học công nghệ. Hiện, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dành ít ngân sách cho các hoạt động giáo dục, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của WB tại Việt Nam cho rằng cần nhiều chính sách để phục hồi đầu tư tư nhân và thị trường bất động sản; bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy.

Bà Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.

“Chúng tôi khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời. Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ”, bà Madani cho biết.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered thì cho rằng lạm phát và khoảng cách rộng giữa chi tiêu và thu nhập có thể dẫn đến những hành vi tìm kiếm lợi nhuận và rủi ro bất ổn tài chính. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải cacbon.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park nhận định, rủi ro vẫn còn đó, từ việc lãi suất toàn cầu tăng cao cho đến các hiện tượng khí hậu như El Niño. Các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương cần phải luôn cảnh giác để bảo đảm nền kinh tế có khả năng thích ứng và tăng trưởng bền vững.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ