7 yếu tố tác động và dự báo 2 kịch bản lạm phát 2024 Cải cách tiền lương cần gắn với kiềm chế lạm phát Kiểm soát lạm phát năm 2024: Cần theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu |
Lạm phát tăng cao do tác động trễ từ 3 nhóm hàng
Theo Báo cáo vĩ mô tháng 5 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng giá chung của nền kinh tế có xu hướng đi lên trong các tháng đầu năm 2024 nhưng có thể giảm trong các tháng tới. Trong 3 tháng trở lại đây, lạm phát tính theo năm đều tăng từ 4,0% đến 4,4%, trong đó, mức tăng cao nhất được ghi nhận vào tháng 4/2024 và gần tiệm cận mục tiêu của Chính phủ. Nhóm phân tích của VDSC cho rằng, đóng góp chính vào mức tăng cao của lạm phát các tháng đầu năm nay là do tác động trễ đến từ 3 nhóm: Lương thực, thực phẩm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm dịch vụ y tế và giáo dục.
Xét riêng lạm phát tháng 4/2024, ba nhóm hàng trên đóng góp gần 80% vào mức tăng giá chung. Trong đó, lương thực, thực phẩm chịu ảnh hưởng của đà tăng nhanh của giá gạo từ tháng 8/2023. Xét theo tháng, chỉ số giá gạo đã giảm liên tiếp hai tháng, lần lượt giảm 0,5% và 0,8% so với tháng trước trong tháng 3/2024 và tháng 4/2024. Diễn biến này sẽ thuận lợi cho xu hướng lạm phát trong các tháng tiếp theo do nhóm lương thực và thực phẩm chiếm hơn 33% tổng cơ cấu tính chỉ số giá CPI.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng chiếm 18,8% trong rổ thành phần tính CPI, mức tăng cao của nhóm hàng này là do việc điều chỉnh giá của các mặt hàng điện, nước và gas diễn ra trong năm trước. Chỉ số giá điện tháng 4/2024 ước tăng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức điều chỉnh tăng 7,7% của giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2023.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng chiếm 18,8% trong rổ thành phần tính CPI |
Quyết định 05/2024 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ có hiệu lực từ 15/05/2024. Theo đó, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân sẽ rút ngắn còn tối thiểu 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất so với quy định cũ là 6 tháng. Tính từ lần điều chỉnh gần nhất (tháng 11/2023), giá bán lẻ điện bình quân vẫn chưa có sự điều chỉnh. Đồng thời, giá điện cũng đã được điều chỉnh tăng 4,5% trong tháng 5 năm trước. Điều này dẫn đến quan ngại rằng giá điện có thể sẽ sớm được điều chỉnh.
Trong tháng 5/2024, kỳ điều chỉnh giá điện được rút ngắn và chi phí sản xuất điện tiếp tục tăng do EVN phải huy động nguồn điện chi phí cao để đảm bảo cung ứng điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, do hành động điều chỉnh giá điện luôn gắn với cân đối vĩ mô và Chính phủ vẫn đặt ưu tiên là kiểm soát lạm phát, VDSC cho rằng, lần tăng giá điện tiếp theo có thể được trì hoãn cho đến khi lạm phát có dấu hiệu quay đầu giảm trở lại.
Về cấu phần giá dịch vụ y tế và giáo dục, lần lượt tăng 6,7% và 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Chuyên gia của VDSC cho rằng, phần lớn mức tăng giá này phản ánh kết quả của việc điều chỉnh giá trong năm trước. Theo lộ trình học phí mới cập nhật tại Nghị định 97/2023, học phí bậc giáo dục mầm non và phổ thông năm 2023 - 2024 được giữ ổn định, trong khi đó, lộ trình tăng học phí bậc giáo dục đại học, nghề nghiệp công lập sẽ được lùi 1 năm so với lộ trình trước đó.
Với dịch vụ y tế, Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với quy định giá dịch vụ cần tính đầy đủ 4 nhóm chi phí. Theo Bộ Y tế, căn cứ tính giá dịch vụ mới trước mắt chỉ bao gồm 3/4 cấu phần (chưa bao gồm chi phí khấu hao) sẽ được ban hành vào tháng 7/2024. Theo đó, mức tăng giá dịch vụ y tế mới so với giá hiện hành dự kiến áp dụng vào cuối năm nay là khoảng 5%, thấp hơn mức điều chỉnh khoảng 9% trong năm 2023. Như vậy, áp lực của các mặt hàng do Nhà nước điều tiết giá lên lạm phát chung vẫn sẽ được kiểm soát.
Các yếu tố sẽ phản ánh lên kỳ vọng lạm phát gồm tỷ giá và diễn biến giá dầu |
Lạm phát của Việt Nam năm 2024 có thể ở mức 3,8%
Nhìn về triển vọng lạm phát các tháng còn lại của năm 2024, chuyên gia của VDSC nhận định, các yếu tố sẽ phản ánh lên kỳ vọng lạm phát gồm tỷ giá và diễn biến giá dầu. Bà Nguyễn Thị Yến Hạnh, chuyên gia phân tích VDSC đã nghiên cứu định lượng chỉ ra một số kết quả quan trọng về mối tương quan giữa lạm phát, giá dầu và tỷ giá tại Việt Nam.
Thứ nhất, độ trễ tác động của giá dầu và tỷ giá lên lạm phát là rõ rệt nhất trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng.
Thứ hai, tác động của giá dầu lên lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn tác động của tỷ giá.
Cuối cùng, mức độ truyền dẫn của tỷ giá vào lạm phát sẽ phụ thuộc và môi trường lạm phát, áp lực mất giá tiền đồng sẽ tác động mạnh đến lạm phát trong điều kiện lạm phát theo tháng ở trên ngưỡng 1,5%.
Chuyên gia của VDSC cho rằng, trừ khi có cú sốc về địa chính trị dẫn đến việc giá dầu tăng tốc trong một thời gian ngắn, giá dầu Brent thế giới được kỳ vọng sẽ dao động trong vùng 85 - 90 USD/thùng từ nay đến cuối năm 2024. Theo đó, giá dầu bình quân năm 2024 ước tăng 5 - 7% so với năm 2023, điều này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến xu hướng lạm phát.
Ngoài ra, lạm phát trung bình theo tháng từ đầu năm đến nay khoảng 0,3%/tháng cho thấy, Việt Nam vẫn đang trong môi trường lạm phát vừa phải. Đồng thời, áp lực tăng giá các mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu và mặt hàng Nhà nước điều tiết giá vẫn được kiểm soát tương đối tốt.
Do đó, VDSC kỳ vọng việc tiền đồng mất giá khoảng 5,0% từ đầu năm đến nay sẽ không tác động quá lớn đến diễn biến lạm phát nửa sau năm 2024. “Chúng tôi điều chỉnh nhẹ mức dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8% sau khi cân nhắc ảnh hưởng của giá dầu và tỷ giá. Mức tăng giá chung kỳ vọng vẫn thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% của Chính phủ”, bà Nguyễn Thị Yến Hạnh nhận định.