Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định nhưng còn yếu

05/10/2024 - 16:52
(Bankviet.com) Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 9/2024, triển vọng ngắn hạn của nền kinh tế toàn cầu đang ổn định nhưng vẫn còn nhiều "lỗ hổng". Trong đó, mức nợ công là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất ổn ở các nước phát triển và đang phát triển. Tuy lạm phát giảm và thương mại toàn cầu phục hồi nhưng những thách thức về tài chính vẫn còn tồn tại.

Báo cáo cho thấy, 54% chuyên gia kinh tế kỳ vọng tình hình kinh tế toàn cầu sẽ không thay đổi trong năm 2025, trong khi hơn 37% cho rằng sẽ suy yếu. Sự lạc quan thận trọng đến từ việc lạm phát giảm và khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu cho thấy, nền kinh tế đang ổn định nhưng vẫn ở mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

Bên cạnh đó, các chính phủ phải đối mặt với thách thức kép là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời cố gắng làm cho tăng trưởng ít gây hại hơn tới môi trường hoặc hạn chế việc dẫn đến một bộ phận xã hội bị "bỏ lại phía sau".

vietnam-economy-ifm-1.jpg

"Cơn bão" nợ công đang hình thành

Theo phần lớn các chuyên gia được khảo sát, gánh nặng nợ công gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô ở các nước phát triển (53%) và đang phát triển (64%).

Sự kết hợp giữa mức nợ cao và lãi suất cao đã đẩy các khoản thanh toán nợ vay trở nên đắt đỏ hơn, gây thiệt hại kinh tế cho nhiều quốc gia. Chi phí trả nợ tăng dẫn đến tình trạng thắt chặt tài chính và trong năm tới, vấn đề nợ công sẽ làm suy yếu các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời khiến các quốc gia không có nguồn lực chuẩn bị tốt ứng phó với đợt suy thoái kinh tế tiếp theo trong tương lai.

Báo cáo lưu ý, tình hình tài chính khó khăn mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt là việc chuẩn bị cho nhiều thay đổi về cơ cấu đang diễn ra, bao gồm quá trình chuyển đổi năng lượng, thay đổi nhân khẩu học và nhu cầu an ninh quốc gia.

Gần 40% chuyên gia dự đoán, tình trạng vỡ nợ sẽ gia tăng ở các nền kinh tế đang phát triển trong năm tới.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, không gian tài chính hạn hẹp khiến các quốc gia không chuẩn bị tốt cho những thách thức về chính sách cũng như các cuộc khủng hoảng trong tương lai, với 59% ở các nước phát và 82% ở các nước đang phát triển.

"Nếu nợ tiếp tục duy trì vẫn là hạn chế đáng kể đối với khả năng chi tiêu của các quốc gia thì những quốc gia này có thể gặp khó khăn trong việc chuẩn bị ứng phó trước những thay đổi như: Chuyển đổi năng lượng, thay đổi nhân khẩu học, thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu, đổi mới công nghệ và nhu cầu an ninh quốc gia mới", báo cáo nêu rõ.

Hơn nữa, "cú sốc" lớn tiếp theo tác động đến nền kinh tế toàn cầu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ, làm trầm trọng thêm những rủi ro tài chính đã tích tụ trong nhiều năm. Ngoài ra, tình trạng thắt chặt tài chính kéo dài cũng sẽ cản trở những nỗ lực đầu tư vào chương trình phát triển bền vững để cân bằng tăng trưởng.

Triển vọng khu vực vẫn còn khác nhau

Tại Mỹ, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài và các dữ liệu gây thất vọng gần đây về thị trường lao động, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng vào một sự "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế. Phần lớn chuyên gia kỳ vọng, kinh tế sẽ tăng trưởng vừa phải hoặc tốt hơn trong năm nay và năm sau. Cuộc bầu cử sắp tới đánh dấu một bước ngoặt chính trị và kinh tế đối với Mỹ và thế giới. 8/10 chuyên gia đồng ý với nhận định rằng kết quả bầu cử sẽ có tác động đáng kể đến chính sách kinh tế trên toàn cầu.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát giảm là tác động tích cực nhất đến nền kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng của châu Âu đang chuyển biến theo hướng tích cực trước những nỗ lực cải thiện nền kinh tế trong khu vực, với 53% kỳ vọng tăng trưởng vừa phải hoặc tốt hơn vào năm 2025 so với tỷ lệ 29% năm 2024.

Triển vọng tăng trưởng vẫn mạnh nhất ở một số khu vực của châu Á, nổi bật là Nam Á với mức tăng trưởng mạnh hoặc rất mạnh (7/10 chuyên gia nhận định). Tiếp theo là khu vực Trung Á, Đông Á và Thái Bình Dương, với cách biệt không quá xa.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý, Trung Quốc có thể đi ngược lại với xu thế chung của khu vực do các thách thức kinh tế khác, bao gồm: suy giảm dân số; các bài toán giảm nợ và giảm rủi ro; tác động của sự suy thoái của ngành bất động sản... Các yếu tố này sẽ có tác động lâu dài đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thập kỷ tới.

Ở các khu vực khác, triển vọng tăng trưởng tương đối ổn định hoặc theo xu hướng tích cực, nhưng vẫn chưa chắc chắn đối với Trung Đông và Bắc Phi; trong khi Mỹ Latinh, Caribe cũng như châu Phi cận Sahara có vẻ sẵn sàng vượt qua mức tăng trưởng trung bình toàn cầu.

Triển vọng cho các mục tiêu tăng trưởng mới

Báo cáo cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cân bằng tăng trưởng với các ưu tiên chính sách khác. Khoảng 2/3 số người được hỏi đồng ý rằng, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế và đồng thời cũng phải đạt được tiến bộ đối với các mục tiêu khác, ngay cả khi điều này cản trở tăng trưởng.

Sự chậm lại trong tăng trưởng và thắt chặt tiền tệ tạo nên bối cảnh khó khăn cho việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quốc gia và toàn cầu.

Những khó khăn chính để đạt được sự cân bằng tăng trưởng tốt hơn là: Thiếu sự đồng thuận hoặc ý chí chính trị trong nước (91%) và thiếu sự hợp tác toàn cầu (67%). Trong đó, sự lo ngại về chính trị trong nước được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn so với việc thiếu sự đồng thuận. Mặt khác, việc thiếu sự hợp tác toàn cầu cũng bị tác động bởi các xu hướng chính trị trong nước (83%), nhưng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các căng thẳng địa chính trị (91%).

tl-co7amwcffo5cwzujajvttkhlix1jlwvb-wxltlnc.png

Vậy, liệu có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và 4 mục tiêu chính sách tiềm năng (tính bền vững về môi trường, bình đẳng kinh tế, gắn kết xã hội và an ninh quốc gia) hay không?

Báo cáo chỉ ra rằng, về bình đẳng và an ninh, chỉ có 12% chuyên gia cho biết có sự đánh đổi đáng kể. Con số đó tăng lên 21% đối với sự gắn kết xã hội. Chỉ có tính bền vững về môi trường cho thấy quan điểm trái chiều, với tỷ lệ đồng ý và không đồng ý ngang nhau là 44% rằng có sự đánh đổi.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ