Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng cầm đầu tuyển người từ Việt Nam sang Campuchia, huấn luyện, chỉ dạy cách dùng các thiết bị máy tính, điện thoại, sim rác, tài khoản mạng xã hội do chúng cung cấp, chuẩn bị các đoạn văn mẫu hướng dẫn cách nói chuyện, dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư nộp tiền.
Chúng chia thành 3 bộ phận chính, gồm bộ phận telesale (gọi điện chạy quảng cáo tìm khách hàng); bộ phận chăm sóc khách hàng và bộ phận hướng dẫn khách nạp tiền đầu tư, hướng dẫn khách chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng Việt Nam do các đối tượng người Trung Quốc chỉ định.
Sau khi hướng dẫn phương thức, thủ đoạn để dẫn dụ bị hại tham gia đầu tư và cách thức để chiếm đoạt được tiền, các đối tượng quản lý cung cấp cho các đối tượng cấp dưới người Việt Nam máy tính, sim rác, nhiều tài khoản mạng xã hội (tài khoản ảo) để hoạt động và tài khoản quản lý khách hàng tại trang web back.vncrmrosy.com.
Quá trình hoạt động, các đối tượng này đã giả danh các công ty tài chính tại Việt Nam để hoạt động nhằm tạo niềm tin cho bị hại. Các đối tượng được giao nhiệm vụ, vai trò khác nhau trong tổ chức lừa đảo như tìm kiếm khách hàng, chạy quảng cáo, chăm sóc khách hàng và có mối quan hệ móc xích, hỗ trợ nhau, mục đích cuối cùng là chiếm đoạt được tiền từ bị hại.
Bằng hình thức tổ chức tinh vi trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn người tham gia tạo tài khoản sàn RosyStyle (sàn do các đối tượng tự tạo ra, quản trị và điều hành) tại các trang (vnfx-rosystyle.com; vnfxrosyrm.com; rosystyle.uk..vv..) liên kết với ứng dụng MT (Metatrader4).
Quá trình tiếp cận, dẫn dụ, để tạo lòng tin cho bị hại, chúng đưa ra chương trình khuyến mại tặng 200.000 đồng theo phương thức nạp card điện thoại, chuyển khoản hoặc chuyển quà tặng là chai rượu vang cho bị hại, kèm theo là 500 voucher (là tài khoản được tặng 500 USD nhưng không thể rút được) khi bị hại đăng ký, chụp hình tài khoản đăng nhập đã thành công gửi cho các đối tượng.
Hàng ngày bộ phận chăm sóc khách hàng giả vờ hỏi thăm, quan tâm đến đời sống, tâm lý của bị hại để tạo tình cảm, lòng tin. Sau 1 tuần các đối tượng tiếp tục tặng thêm 500 Voucher. Sau đó, các đối tượng mở nhóm trên Zalo để bị hại trải nghiệm miễn phí từ 3-5 ngày và chúng thể hiện, thông báo cho khách hàng là có lợi nhuận trong tài khoản. Khi kết thúc chương trình trải nghiệm miễn phí, các đối tượng này hướng dẫn khách rút được lợi nhuận về (khoảng 30 – 40 USD/người) để tạo lòng tin.
Sau đó, các đối tượng tiếp tục tương tác, quan tâm, hỗ trợ người chơi, giới thiệu chương trình trải nghiệm lần 2, khuyến khích bị hại tham gia đăng ký và gửi thiếp mời cho bị hại tham gia. Khi có người tham gia, các đối tượng lại tổ chức hình thức quay số trúng thưởng. Các đối tượng này giới thiệu là quay số ngẫu nhiên trúng thưởng, nhưng thực chất là các đối tượng thao túng, điều chỉnh cho các bị hại đều có giải và được tặng thưởng 4.000 voucher vào tài khoản.
Những bị hại tham gia trải nghiệm lần 2 đều được các đối tượng này thuyết phục phải nạp thêm 1.000 USD để đủ 5.000 USD theo quy định của chương trình đầu tư trải nghiệm. Chúng dẫn dụ bị hại là khi đủ điều kiện trở thành thành viên chính thức của đội ngũ quản lý tài chính thì sẽ được hưởng mức lợi nhuận 25%/tháng và có cơ hội tham gia tiếp chương trình “giao dịch nhất quán” mỗi tuần, với mức lợi nhuận sau giao dịch trên 20%/lần.
Khi bị hại tin tưởng, tiếp tục tham gia thì các đối tượng này tìm cách dẫn dụ để bị hại tăng thêm vốn. Những bị hại có khả năng tăng vốn thì chúng bằng mọi thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng (như cho rút tiền để tạo niềm tin) và tiếp tục tăng vốn đầu tư. Những bị hại không còn khả năng tăng vốn thì chúng tìm mọi lý do và cách thức để bị hại không rút được tiền, khóa không cho đăng nhập tài khoản. Những bị hại khiếu nại thì chúng tìm cách và tạo lý do trì hoãn, yêu cầu nạp thêm tiền.
Quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng này còn tạo ra các khách hàng giả (thường gọi là sanfang), tham gia cùng nhóm với khách hàng thật (là những bị hại), tương tác với bị hại, khoe được lợi nhuận cao, tỏ ra chia sẻ, giúp đỡ bị hại khi có khó khăn để tạo lòng tin, kích thích lòng tham cho bị hại.
Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định có 24/44 tài khoản ngân hàng được nhóm sử dụng để nhận tiền của bị hại. Các tài khoản này đều do những người gốc Trung Quốc quản lý, sử dụng.
Qua phân tích, xác định tổng số tiền chuyển vào 24 tài khoản này là hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó có hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển số tiền từ 11 triệu đồng trở lên.
Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 6 người gồm: Bùi Thị Bích Ngọc (46 tuổi, trú huyện Kiến Xương, Thái Bình), Châu Văn Thành (39 tuổi, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Huỳnh Chí Dương (20 tuổi, trú huyện Đông Hải, Bạc Liêu), Nguyễn Thị Kim Chi (27 tuổi, trú huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Đỗ Thị Hồng (30 tuổi, trú TP. Móng Cái, Quảng Ninh) và Trần Minh Thiện (28 tuổi, trú thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Mở rộng chuyên án, đến cuối tháng 7, cơ quan điều tra đã đến 14 tỉnh, thành để tiếp tục xác minh, triệu tập 21 người liên quan khác.
Tiếp đó, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh tạm giữ hình sự thêm 5 người, trong đó có Hồ Thanh Tiền (31 tuổi, trú xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), Khương Thuận Phát (29 tuổi, trú phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh), Phạm Thùy Dung (29 tuổi, trú TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). 2 đối tượng còn lại là người gốc Trung Quốc nhưng mang quốc tịch Malaysia.
Theo Đại tá Lê Văn Hóa – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và có liên quan đền hàng trăm đối tượng, bị hại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài.
Do vậy, vụ án đang được khẩn trương tiếp tục điều tra, mở rộng và yêu cầu các cá nhân, tổ chức nào bị các đối tượng này lừa đảo trực tiếp liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình – Số 1 Hùng Vương, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, Quảng Bình (Số ĐT: 0232.4100.240) để được giải quyết.
Q.L