Trục lợi bảo hiểm: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

15/04/2025 - 22:57
(Bankviet.com) Lợi dụng giá trị nhân văn của bảo hiểm, không ít người đã làm giả hồ sơ hòng trục lợi, gây tổn hại đến ngành bảo hiểm và người tiêu dùng chân chính.
Ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc: Hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế Tội ác 'trời không dung, đất không tha': Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm

Tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng

Theo báo cáo từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đã chi trả quyền lợi cho khách hàng ước đạt gần 94.000 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2023. Con số này cho thấy vai trò của bảo hiểm trong việc hỗ trợ hàng triệu người vượt qua những biến cố trong cuộc sống.

Tuy vậy, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay phải đối mặt với tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn bài bản và tinh vi.

Cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã khởi tố 16 đối tượng liên quan đến đường dây trục lợi bảo hiểm quy mô lớn, cầm đầu bởi Nguyễn Thị Ngân (sinh năm 1987, huyện Thường Xuân) và Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1990, huyện Quảng Xương).

Từ 2021 đến 2023, hai đối tượng này đã cấu kết với một số đối tượng liên quan để lập khống hồ sơ bệnh án, dàn dựng các tình huống tai nạn giả nhằm trục lợi bảo hiểm, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng cho một công ty bảo hiểm.

Gần đây, một số công ty bảo hiểm còn phát hiện khách hàng có dấu hiệu giả mạo bỏng nước sôi và gãy xương hòng trục lợi.

Đơn cử, bộ phận điều tra của công ty bảo hiểm X đã nhận thấy có nhiều khách hàng cùng làm hồ sơ yêu cầu bồi thường quyền lợi bỏng. Đáng nói, các trường hợp bị bỏng này hầu hết đều đến từ nguyên nhân do nước sôi với các bối cảnh khó thuyết phục như đi ăn cỗ va vào nước sôi, bỏng tại nhà khi đang nấu ăn, luộc gà, ăn lẩu… Các vết thương hầu hết không sâu, có khả năng lành nhanh. Ngoài ra, những khách hàng này cũng mua hợp đồng bảo hiểm tập trung vào quyền lợi tai nạn có mệnh giá lớn, cho dù không thuộc nhóm làm các ngành nghề nguy hiểm.

Một trường hợp khác, công ty bảo hiểm Y cho biết đã tiếp nhận các trường hợp khách hàng yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm cho tai nạn gãy xương. Tuy vậy, nghiệp vụ điều tra của doanh nghiệp này cho thấy các vết gãy xương hầu như đều không nghiêm trọng, lý do gãy không hợp lý, không có nhân chứng lúc xảy ra tai nạn... Đáng chú ý, công an đã phát hiện 2 trong số những khách hàng này sử dụng tài liệu giả mạo gãy xương và đã ra quyết định khởi tố.

Tương tự, công ty bảo hiểm Z cũng phát hiện dấu hiệu trục lợi trong hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bỏng của khách hàng H. Cụ thể, H được một người phụ nữ tên T hướng dẫn làm thủ tục bồi thường. Bà T này từng bị nhân viên bảo hiểm phát hiện dẫn dắt, tráo người cho 1 vụ gãy xương giả ở Hà Nội…

Điểm chung của những khách hàng này là mua hợp đồng của nhiều công ty bảo hiểm cùng lúc và các khách hàng trong nhóm này đều có sự kiện bảo hiểm xảy ra chỉ vài tháng sau khi hợp đồng có hiệu lực.

Một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đã phát hiện được một số khách hàng trục lợi nên không giải quyết chi trả quyền lợi bảo hiểm. Những khách hàng này sau đó lên mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin một chiều, khiến những người tiêu dùng khác e dè với bảo hiểm.

Trục lợi bảo hiểm: Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”

Xử lý nghiêm minh đối với các hành vi trục lợi

Thời gian qua, không ít trường hợp trục lợi bảo hiểm đã bị khởi tố hình sự. Đầu tháng 4/2025, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Tô Thị Ty Na về vụ án hình sự có liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm với số tiền hàng tỷ đồng.

Trước đó, tháng 2/2025, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố Phạm Thị Tươi để điều tra về hành vi làm giả hồ sơ tài liệu trục lợi bảo hiểm. Đối tượng đã có hành vi làm giả 4 giấy ra viện để hưởng tiền thanh toán bảo hiểm trái quy định.

Một vụ án từng gây xôn xao dư luận là một khách hàng tên Nguyễn Văn Khánh đã mua 19 hợp đồng bảo hiểm của các công ty khác nhau hòng trục lợi bảo hiểm lên đến hàng chục tỉ đồng. Tháng 8/2024, tòa án Quân sự Quân chủng Hải quân đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án. Kết quả, 4 đối tượng gồm Nguyễn Văn Khánh, Vũ Thị Ngọc Hà, Phan Thị Trang và Lê Đức Phong bị tuyên phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong đó, bà Hà bị xử phạt 10 năm tù, ông Khánh bị xử phạt 7 năm tù, bà Trang 3 năm tù treo và ông Phong bị phạt 2 năm tù treo.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, mặc dù thời gian qua lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và triệt phá nhiều vụ việc về trục lợi bảo hiểm, tuy nhiên những hành vi này vẫn còn tiếp diễn, như những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây tổn hại niềm tin xã hội và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm chân chính.

Để ngăn chặn tình trạng trục lợi, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát và thẩm định để bảo vệ quyền lợi của khách hàng chân chính. Ngoài ra, công tác đào tạo về đạo đức kinh doanh cũng được các doanh nghiệp tăng cường đến các đại lý, giúp ngăn chặn những sai phạm đáng tiếc có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi trục lợi bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mức hình phạt có thể đến 7 năm tù, tuy nhiên, nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể đối mặt với án cao hơn hoặc tù chung thân.

Nếu không đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự, các hành vi gian lận trong bảo hiểm cũng có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 98/2013/NĐ-CP với mức phạt lên đến 100 triệu đồng. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy hợp đồng và không bồi thường.

PV

Theo: Báo Công Thương