Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) ghi nhận doanh thu đạt 1.575 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vốn nhanh hơn, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 67 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận giảm từ 9,6% xuống 4,25% trong quý này.
Lũy kế cả năm, doanh thu của TAR đạt hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2021, là mức doanh thu cao nhất trong vòng 6 năm qua. |
Trong khi đó, chi phí lãi vay của TAR tăng 42% so với quý IV/2021 lên gần 30 tỷ đồng. Vì vậy, mặc dù chi phí bán hàng được tiết giảm khá tốt, thế nhưng lợi nhuận sau thuế của TAR vẫn thấp hơn 59% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 18 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, doanh thu của TAR đạt hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2021, là mức doanh thu cao nhất trong vòng 6 năm qua. Tiếc rằng, các chi phí tăng mạnh đã "đánh bay" sự khả quan đó, khiến lợi nhuận sau thuế "quay đầu" giảm 27,5% so với năm trước, còn 70 tỷ đồng.
Với kết quả này, TAR đã vượt 8,5% kế hoạch doanh thu sau điều chỉnh vào cuối tháng 6/2022, nhưng chỉ đạt 63% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của TAR đạt mức 2.788 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Trong đó, 2.072 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn (tăng 47%), đáng chú ý các khoản phải thu khác hàng tăng mạnh từ 168 tỷ đồng lên hơn 508 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC Trung An. |
Trong đó, TAR có gần 1.411 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng 39% so với đầu kỳ, chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu.
So với đầu năm, nợ phải trả của TAR tăng 21% lên 1.590 tỷ đồng, hầu hết là nợ ngắn hạn. Chiếm đến 1.374 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, tăng 15% sau 1 năm hoạt động.
Về mục tiêu phát triển tại thị trường nội địa, Trung An mục tiêu định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng an toàn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và organic, với sản phẩm chính là gạo sạch Trung An và Gạo hữu cơ Trung An.
Đối với thị trường xuất khẩu, Trung An sẽ phát triển đẩy mạnh từ bán lẻ xuất khẩu sang bán buôn xuất khẩu tại các nước phát triển như Đức, Australia, Mỹ, Malaysia, UAE…
Định hướng đến năm 2030, sản lượng gạo của Trung An sẽ chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu gạo sạch của cả nước, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo thương hiệu.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, cổ phiếu TAR tăng 9,45% lên mức 13.900 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 841.000 đơn vị.
Diễn biến giá cổ phiếu TAR trong vòng 3 tháng gần đây (Nguồn: TradingView) |
Nguyên Nam