Trung Quốc ban hành các biện pháp thúc đẩy phát triển cả nội thương và ngoại thương

17/12/2023 - 03:08
(Bankviet.com) Trung Quốc vừa ban hành 18 biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển thống nhất thương mại trong và ngoài nước, xóa bỏ các rào cản pháp lý và các rào cản khác để giúp doanh nghiệp tại quốc gia này dễ dàng khai thác thị trường trong nước và quốc tế.
8b229543-6ae3-426d-8d7d-60ab55832c87.jpeg

Các chuyên gia lưu ý, vào thời điểm ngành xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt với môi trường bên ngoài khắc nghiệt và phức tạp, một số doanh nghiệp của quốc gia này phải đối mặt với nhu cầu trong nước bị thu hẹp, thì phát triển thống nhất nội thương và ngoại thương sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc và mang lại sự hỗ trợ to lớn cho các doanh nghiệp.

Theo thông tư do Tổng Văn phòng Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành, có tổng cộng 18 biện pháp trong 5 lĩnh vực, bao gồm việc điều chỉnh các quy tắc, quy định trong nước và quốc tế; kết nối thị trường trong nước và quốc tế, cũng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Cụ thể, các biện pháp này nhằm thúc đẩy sự thống nhất giữa các quy tắc và hệ thống thương mại trong nước và quốc tế, kiểm tra và chứng nhận, các quy định và tiêu chuẩn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu và các doanh nghiệp định hướng phát triển thị trường trong nước cùng tìm hiểu về thị trường quốc tế.

Các biện pháp này cũng sẽ được thực hiện để cải thiện môi trường phát triển thống nhất thương mại trong và ngoài nước, bao gồm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện mạng lưới logistics.

Về hỗ trợ tài chính, trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO, các kênh tài trợ tài chính của trung ương và địa phương hiện có, như quỹ đặc biệt để phát triển kinh tế và thương mại quốc tế phải được sử dụng đầy đủ để hỗ trợ phát triển thống nhất thương mại trong và ngoài nước.

Thông tư cho biết, thúc đẩy phát triển thống nhất nội thương và ngoại thương là yêu cầu cốt lõi để xây dựng mô hình phát triển mới và thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng nhu cầu trong nước và ổn định doanh nghiệp.

Các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch dài hạn để phát triển cả nội thương và ngoại thương nhằm giải quyết các thách thức phát sinh từ bối cảnh liên kết địa - kinh tế toàn cầu đang thay đổi, khiến nhu cầu suy yếu và nền kinh tế của Trung Quốc chuyển dịch sang tập trung vào tiêu dùng nội địa hơn là xuất khẩu.

Wang Peng, chuyên gia nghiên cứu liên kết của Viện Khoa học Xã hội Bắc Kinh cho biết, các biện pháp này sẽ giúp thúc đẩy thị trường thương mại trong và ngoài nước, đồng thời, cải thiện khả năng cạnh tranh của cả doanh nghiệp hướng vào thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu.

“Việc này giúp thúc đẩy sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo”, ông Wang chia sẻ, đồng thời cho biết thêm rằng, động thái này cũng sẽ giúp mở rộng quá trình mở cửa của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho biết, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp với các quy tắc, quy định, quản lý và tiêu chuẩn quốc tế cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, cũng sẽ giúp hàng hóa và dịch vụ nước ngoài xâm nhập thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.

Tian Yun, chuyên gia kinh tế học ở Bắc Kinh cho biết, các biện pháp này sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao lưu thông hàng hoá trong nước và quốc tế. Ông nói: “Một khi các biện pháp được triển khai thực hiện, sẽ không chỉ đẩy nhanh quá trình hội nhập thương mại trong và ngoài nước mà còn giúp thúc đẩy toàn bộ quá trình lưu thông kinh tế”.

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ