Trung Quốc, Campuchia chi mạnh tay mua ‘mỏ vàng’ mới nổi của Việt Nam: Sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm, gần 300 nhà máy tham gia sản xuất

24/05/2025 - 10:56
(Bankviet.com) Việt Nam đã thu về gần 400 triệu USD từ xuất khẩu mặt hàng này kể từ đầu năm.
Hàng hóa - Giá cả

Trung Quốc, Campuchia chi mạnh tay mua ‘mỏ vàng’ mới nổi của Việt Nam: Sản lượng 20 triệu tấn mỗi năm, gần 300 nhà máy tham gia sản xuất

Hoàng Anh 24/05/2025 09:10

Việt Nam đã thu về gần 400 triệu USD từ xuất khẩu mặt hàng này kể từ đầu năm.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 4/2025 đã thu về hơn 121 triệu USD, tăng 10,3% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm “mỏ vàng” này đã mang về hơn 388 triệu USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở mặt hàng thức ăn gia súc với hơn 176 triệu USD, tăng mạnh 46,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Trung Quốc là quốc gia sản xuất thịt heo số 1 thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây, nguồn cung trong nước không ổn định nên quốc gia này liên lục phải nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

b2.png

Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam ở mặt hàng thức ăn gia súc với hơn 48 triệu USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đứng thứ 3 là Malaysia với kim ngạch đạt hơn 33 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2025, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một năm Việt Nam cần 32 - 33 triệu tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Bên cạnh việc chi tiền (khoảng gần 3 tỷ USD) để nhập khẩu sản phẩm này, ngành hàng còn hướng đến xuất khẩu. Số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và công suất. Năm 2019, Việt Nam chỉ có 261 nhà máy với sản lượng sản xuất là 18,9 triệu tấn; đến năm 2023 có 294 nhà máy, sản lượng 20 triệu tấn. Trong đó doanh nghiêp FDI chiếm khoảng 60%, trong nước khoảng 40% về sản lượng sản xuất.

Theo VIRAC - một đơn vị nghiên cứu thị trường đánh giá thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Các ông lớn này thông qua việc sáp nhập và mua lại các nhà sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và gia cầm trong nước và có thể kể đến những tên tuổi như Cargill Group (Mỹ), Haid (Trung Quốc), CP Group (Charoen Pokphand Group - Thái Lan), De Heus (Hà Lan), BRF (Brazil), Mavin (Pháp), Japfa (Singapore), CJ (Hàn Quốc)…

Theo đề án Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đến năm 2030, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng và đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030, đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu thức ăn chăn nuôi tinh trong nước.

Để tận dụng cơ hội tăng trưởng và vượt qua những thách thức tiềm ẩn trong năm 2025, các chuyên gia cho biết các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi cần xây dựng và triển khai các giải pháp, chiến lược phù hợp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường sự bền vững trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, cần nghiên cứu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi hữu cơ đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên vật liệu; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trên thị trường thế giới, theo báo cáo gần đây của Polaris Market Research, giá trị của thị trường thức ăn chăn nuôi toàn cầu sẽ đạt 588,50 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức khoảng 564,78 tỷ USD vào năm 2024. Dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,3% cho đến năm 2034, công ty nghiên cứu dự báo thị trường sẽ đạt quy mô 859,62 tỷ USD vào năm 2034, cho thấy một con đường tăng trưởng mạnh mẽ.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán