Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam

14/03/2024 - 16:59
(Bankviet.com) Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thu về gần 3,5 tỷ USD Năm 2023, sản lượng xuất khẩu dăm gỗ sẽ đạt gần 16 triệu tấn Vì sao dăm gỗ vẫn chủ yếu xuất thô?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ tăng rất mạnh với lượng xuất khẩu đạt hơn 15,8 triệu tấn, tương đương gần 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ đã giảm đáng kể so với năm 2022, với lượng xuất chỉ đạt hơn 14,4 triệu tấn (giảm 8,8%), giá trị đạt hơn 2,2 tỷ USD (giảm 20,4%).

xuất khẩu dăm gỗ
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dăm lớn nhất của Việt Nam (ảnh Nguyễn Hạnh)

So với giai đoạn tăng giá mạnh năm 2022, giá xuất khẩu dăm gỗ trung bình năm 2023 đã giảm hơn 20 USD về mức 153,8 USD/tấn (giảm 12,7% so với năm 2022). Trái ngược với mức tăng kỷ lục năm 2022, giá dăm gỗ đã giảm mạnh từ 183 USD/tấn xuống chỉ còn xấp xỉ 141 USD/tấn trong nửa đầu năm 2023. Kể từ tháng 5 năm 2023, giá dăm gỗ xuất khẩu chỉ dao động trong khoảng 140-150 USD/tấn.

Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ sang 13 thị trường trong năm 2023. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba thị trường xuất khẩu dăm gỗ chính của Việt Nam, trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dăm lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 9,38 triệu tấn dăm, đạt trên 1,43 tỷ USD, chiếm 65,1% về lượng và 64,7% về giá trị. Tại thị trường Trung Quốc, giá xuất khẩu dăm trung bình giảm từ mức 183-185 USD/tấn tại thời điểm đầu năm 2023 xuống còn dưới 140 USD/tấn vào giữa năm và tăng nhẹ vào những tháng cuối năm nhưng vẫn dưới 150 USD/tấn, giảm khoảng 35 USD/tấn trong năm.

Tỷ trọng lượng (trái) và kim ngạch (phải) dăm gỗ xuất khẩu năm 2023 theo thị trường Nguồn: Số liệu của Tổng cục Hải quan, tính toán bởi Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội Gỗ và Forest Trends

Tỷ trọng lượng (trái) và kim ngạch (phải) dăm gỗ xuất khẩu năm 2023 theo thị trường

(Nguồn: Số liệu của Tổng cục Hải quan, tính toán bởi Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội Gỗ và Forest Trends)

Đứng vị trí thứ hai là thị trường Nhật Bản. Xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường này năm 2024 đạt 3,98 triệu tấn với giá trị 610,43 triệu USD, chiếm 27,3% về lượng và 27,5% về giá trị.

Đối với thị trường Nhật Bản, mức giá dăm gỗ giảm lên đến 36 USD/tấn trong năm 2023. Cụ thể, giá dăm gỗ xuất khẩu sang thị trường này vào tháng 1/2023 trung bình đạt mức 181 USD/tấn nhưng giảm chỉ còn 145 USD/tấn tại thời điểm tháng 12/2023.

Xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường Hàn Quốc đạt 548,59 nghìn tấn, đạt 91,88 triệu USD, chiếm 3,8% về lượng và 4,1% về giá trị. Tương tự như thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đã giảm 27 USD/tấn trong năm 2023 với biên độ biến động mạnh trong năm.

Tháng 1/2023 ghi nhận mức giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này là 200 USD/tấn, nhưng giá giảm liên tục sau đó xuống đáy ở mức 136 USD/tấn, tuy nhiên đã tăng trở lại lên mức 172 USD/tấn vào những tháng cuối năm.

Đối với thị trường Đài Loan, cả tổng lượng và tổng kim ngạch đều sụt giảm nặng nề (giảm 37,7% về lượng và 41,5% về giá trị so với năm 2022).

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ tại thị trường Trung Quốc có xu hướng tiếp tục suy giảm trong thời gian tới, kéo theo giá xuất khẩu dăm đi xuống tại thị trường này. Nhìn chung cơ cấu thị trường xuất khẩu của dăm gỗ không có biến động đáng kể trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngành dăm gỗ sẽ tiếp tục phải cạnh tranh ngành nguyên liệu với ngành viên nén, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc do gỗ rừng trồng là đầu vào chính cho cả hai ngành ở khu vực này. Do đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần xem xét đầu tư xây dựng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất và xuất khẩu.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương