Tờ Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia cho hay, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ và châu Âu trong vòng 3-4 năm về khả năng tổng hợp nhiệt hạch với khả năng lưu trữ plasma lâu dài nếu Bắc Kinh duy trì tốc độ chi tiêu và phát triển hiện tại.
“Nếu Trung Quốc duy trì tốc độ chi tiêu và phát triển như hiện nay, thì trong 3-4 năm nữa, nước này sẽ vượt qua Mỹ và châu Âu về khả năng tổng hợp nhiệt hạch”, Wall Street Journal cho biết.
Đồng thời, Wall Street Journal lưu ý, các quan chức và nhà khoa học Mỹ ngày càng lo lắng rằng vai trò thủ lĩnh của Mỹ đang “tuột dốc”.
Trung Quốc sớm vượt phương Tây về tổng hợp nhiệt hạch. Ảnh: Sputnik |
Một quan chức thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho hay khi so sánh tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc, phương Đông đang đi trước phương Tây một cách đáng chú ý trong việc đầu tư vào công nghệ nhiệt hạch.
Theo chuyên gia này, hàng năm Bắc Kinh đầu tư 1,5 tỷ USD vào phản ứng tổng hợp hạt nhân, trong khi ở Mỹ, số tiền này ít hơn gần 2 lần.
Ngoài ra, Trung Quốc gần như đã hoàn thành việc xây dựng tổ hợp khoa học công nghệ quy mô lớn để nghiên cứu các phản ứng nhiệt hạch. Diện tích của các cơ sở này là 405 nghìn m2. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có kế hoạch thành lập một tập đoàn chuyên biệt với các doanh nghiệp nhà nước và các trường đại học chuyên về loại năng lượng này.
Trước đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về một thành tựu đáng kể của Energy Singularity, một công ty nhiệt hạch do tư nhân điều hành có trụ sở tại Thượng Hải.
Công ty đã thành công trong việc phát triển và vận hành lò Tokamak siêu dẫn nhiệt độ cao đầu tiên trên thế giới, mang tên HH70, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công nghệ năng lượng nhiệt hạch.
Tokamak là một thiết bị chuyên dụng có hình dạng giống như chiếc bánh rán, sử dụng từ trường để giữ plasma nhiệt độ cao, mô phỏng các điều kiện tương tự những gì được tìm thấy trên mặt trời. Công nghệ này nhằm mục đích khai thác các phản ứng nhiệt hạch, trong đó các nguyên tử hydro hợp nhất để tạo thành heli, giải phóng lượng năng lượng đáng kể trong quá trình này. Thường được gọi là "Mặt trời nhân tạo", Tokamak rất quan trọng trong nỗ lực sản xuất điện sạch và bền vững.