Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam

15/08/2023 - 17:04
(Bankviet.com) Tháng 7/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam
Tháng 6/2023, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm tháng thứ 4 liên tiếp Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc giảm tốc

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu được 145,23 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 71,88 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 9,8% về trị giá so với tháng 6/2023.

Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn giảm tháng thứ 5 liên tiếp
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn giảm tháng thứ 5 liên tiếp

Tuy nhiên so với tháng 7/2022 vẫn giảm 24,2% về lượng và giảm 17,2% về trị giá, đây là tháng giảm thứ 5 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 494,9 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 6/2023 và tăng 9,2% so với tháng 7/2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,64 triệu tấn, trị giá 665,57 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 7/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,61% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước với 135,96 nghìn tấn, trị giá 66,58 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá tháng 6/2023. Tuy nhiên so với tháng 7/2022 vẫn giảm 22,9% về lượng và giảm 16,4% về trị giá.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 1,47 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 589,27 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Nhìn chung, trong 7 tháng đầu năm 2023, mặc dù lượng sắn xuất khẩu giảm, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: Malaysia, thị trường Đài Loan, Nhật Bản... Tuy nhiên, các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 7/2023 và 7 tháng đầu năm 2023 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam
Thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 7/2023 và 7 tháng đầu năm 2023 Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Giá ngũ cốc tại Trung Quốc giảm và do đang vào mùa tiêu thụ thấp điểm nên nhu cầu đối với sắn và tinh bột sắn của Trung Quốc cũng có xu hướng giảm trong mấy tháng gần đây.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn và tinh bột sắn của sắn của Trung Quốc có thể sẽ sôi động trở lại khi nước này bước vào mùa sản xuất bánh trung thu.

Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, giá sắn củ tươi tại Tây Ninh giảm nhẹ, giá tinh bột sắn cũng giảm theo đà giảm của giá nguyên liệu. Do tiêu thụ sắn lát nội địa yếu nên lượng tồn kho chủ yếu chào bán xuất khẩu.

Tính tới đầu tháng 8/2023, chỉ có vài nhà máy tinh bột sắn tại khu vực Tây Nguyên chạy lại, nhưng nguồn cung sắn chưa có nhiều do củ sắn vẫn còn non.

Với tình hình sắn vụ mới có muộn và nguồn cung sắn nguyên liệu sụt giảm, thì xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam năm 2023 có thể chỉ đạt khoảng 1,8 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 2,4 triệu tấn của năm 2022.

Tinh bột sắn bắt đầu được thông quan trở lại qua cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), giao dịch tinh bột sắn tại Móng Cái ảm đạm.

Campuchia đang đẩy mạnh tiến độ thu hoạch sắn ngay từ đầu vụ để bán cho Việt Nam do được giá, điều này có thể khiến cho sản lượng sắn thu hoạch vào giai đoạn giữa và cuối vụ giảm mạnh.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương