Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã thông báo rằng kể từ ngày 10/9, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký chứng khoán mã HBC từ sàn HoSE sang thị trường đăng ký giao dịch UPCoM với khối lượng 347,2 triệu cổ phiếu.
Trước đó, cổ phiếu HBC bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc kể từ thời điểm kết phiên giao dịch ngày 5/9. Lý do được đưa ra là Xây dựng Hòa Bình có tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Tại thời điểm 31/12/2023, Hòa Bình lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của cổ đông (mức 2.741 tỷ đồng).
Cùng động thái, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico cũng sẽ được chuyển dữ liệu về UPCoM. Lý do hủy niêm yết cổ phiếu HNG là công ty lỗ kiểm toán 3 năm liên tiếp trong giai đoạn 2021-2023.
Đáng chú ý, cùng nằm trong danh sách cảnh báo hủy niêm yết được HoSE công bố hồi đầu năm với 2 cổ phiếu trên còn có HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Tuy nhiên cho tới hiện tại, phải rời HOSE vẫn chỉ có HNG và HBC.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi thắc mắc, khi mà Vietnam Airlines đã ghi nhận thua lỗ 4 năm liên tiếp, song cổ phiếu HVN hiện chỉ phải chịu diện hạn chế giao dịch trên HOSE và vẫn được mua bán vào buổi chiều của các phiên.
Cổ phiếu HVN vẫn được mua bán vào buổi chiều của các phiên |
Ngược thời gian về đầu năm 2023, HoSE từng có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Lý do được HoSE đưa ra là tại BCTC quý 4/2023 của HVN, số lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2022 là 10.452,6 tỷ đồng. Ngoài ra, số lỗ lũy kế đơn vị này tính đến thời điểm 30/12/2022 là 34.199,5 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.
Căn cứ theo theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020 ngày 31/12/2020 của Chính phủ, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. HoSE lưu ý Vietnam Airlines về khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có LNST của cổ đông công ty mẹ và/hoặc VCSH là số âm.
Đây không phải lần đầu tiên HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Hồi tháng 9/2022, Sở đã có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự, khi đó số lỗ lũy kế của đơn vị này là hơn 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.
Nói về nguy cơ hủy niêm yết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, khẳng định tình huống bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines là rất đặc biệt.
Trước dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp đứng đầu top doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và minh bạch tài chính trên sàn HOSE.
"Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và đặc biệt là hàng không và các hãng bay đều trong tình cảnh này. Tôi tin tưởng rằng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá các yếu tố này một cách khách quan, cẩn trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn duy trì trên sàn chứng khoán", Kế toán trưởng Vietnam Airlines phát biểu.
Cũng trong năm 2023, đơn vị kiểm toán BCTC của Vietnam Airlines là Công ty TNHH KPMG đã đưa ra những lưu ý về doanh nghiệp này. Theo báo cáo kiểm toán năm 2023, HVN lỗ sau thuế 5.632 tỷ đồng (năm thứ 4 liên tiếp), tăng nhẹ so với báo cáo tự lập trước đó. Đến hết 31/12/2023, nợ ngắn hạn của hãng cùng các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 46.287 tỷ đồng. Các khoản phải trả đã quá hạn của doanh nghiệp này trên 13.740 tỷ, vốn chủ sở hữu âm 17.026 tỷ đồng.
Đến hết 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 17.026 tỷ đồng (Biểu đồ: Kinhtechungkhoan.vn) |
Vì vậy, KPMG lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng, các khoản phải trả từ nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu hiện đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty và các công ty con.
Đến tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung mới công bố, Điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Điều khoản dự thảo bổ sung này có thể giúp cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục duy trì niêm yết trên sàn HOSE.
Trao đổi với Kinhtechungkhoan.vn về trường hợp của HVN, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho biết, việc huỷ bỏ niêm yết cổ phiếu trong trường hợp nào do Chính phủ quyết định. Theo đó, việc huỷ bỏ niêm yết thuộc thẩm quyền của Sở giao dịch chứng khoán theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 46 về “Quyền và nghĩa vụ của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam”, Luật Chứng khoán năm 2019. Có 14 trường hợp huỷ bỏ niêm yết theo quy định tại khoản 1, Điều 120 về “Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc”, Nghị định số NĐ 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”. "HVN thuộc trường hợp bị huỷ bỏ niêm yết theo quy định tại điểm e, khoản 1 nêu trên. Vì quy định trên trong Nghị định, nên Chính phủ có thẩm quyền quyết định trường hợp không huỷ bỏ niêm yết. Tuy nhiên, muốn thay đổi thì phải sửa đổi Nghị định số 155. Được biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155 từ đầu năm 2024 vẫn chưa được ban hành, nên việc HVN chưa bị huỷ bỏ niêm yết là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không bảo đảm sự công bằng và thống nhất của pháp luật", Luật sư Trương Thanh Đức cho biết. |
Chuỗi ngày đáng quên với cổ đông Vietnam Airlines (HVN) Tiếp tục là một phiên giao dịch "đáng quên" với cổ đông của Vietnam Airlines khi cổ phiếu HVN nằm sàn phiên 22/7, đánh dấu ... |
Vietnam Airlines lãi lớn nhờ được xóa nợ, tổng nợ phải trả vẫn xấp xỉ 70.000 tỷ đồng Vietnam Airlines ghi nhận đạt 1.146 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý 2/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1.272 tỷ đồng. Lợi ... |
HNG, HBC chắc suất về UPCoM, vì sao HVN của Vietnam Airlines được ở lại HOSE? Dù Vietnam Airlines đã ghi nhận thua lỗ 4 năm liên tiếp, song cổ phiếu HVN vẫn ở lại sàn HOSE mà chỉ phải chịu ... |
Lưu Lâm