“Màu xanh” chủ quyền
Đúng 8 giờ sáng, sau một hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, con tàu Trường Sa HQ 571 chính thức chuyển mình, rẽ sóng từ quân cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đưa đoàn công tác Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương với 200 thành viên đến từ mọi miền đất nước cùng cưỡi sóng ra khơi, đến với Trường Sa và nhà giàn DK1. Sau 12 ngày đêm trên hành trình cả nghìn hải lý, chúng tôi đặt chân đến 13 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Lâu nay khi nhắc đến Trường Sa người ta hay nghĩ đến một vùng biển đảo bạt ngàn sóng gió, bão táp và san hô, cây bàng vuông, dây muống biển... Có mục sở thị mới biết, các chiến sĩ Hải quân ngoài nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc còn tạo nên mầm xanh và sức sống Trường Sa. Lần đầu đến với Trường Sa, nơi chúng tôi đặt chân tới đầu tiên là đảo chìm Đá Lát.
Phải chờ đến giờ thủy triều lên, xuồng nhỏ mới trung chuyển chúng tôi lên đảo được. Xung quanh là đại dương mênh mông nước, Đá Lát chỉ là 2 mỏm đá diện tích có hạn để xây công trình, chung quanh không một bóng cây. Cảm nhận ban đầu về sức sống nơi đây là lòng quả cảm và sức chịu đựng của những người lính đảo ngày đêm giữ gìn lãnh thổ nước nhà. Thế nhưng, sau khi quan sát kỹ, trong không gian chưa tới 20m2, dưới góc một trụ ăng-ten, được rào chắn gió cẩn thận là nơi tăng gia sản xuất (trồng rau) của chiến sĩ trên đảo, màu xanh và sức sống đã hiện hữu.
Quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những ngư trường có sản lượng thủy sản cao, những rạn san hô rộng lớn và trữ lượng tài nguyên dầu mỏ, khí đốt dồi dào do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích. Hơn nữa, khu vực này cũng là một trong những vùng có mật độ hàng hải cao trên thế giới. Từ xa xưa, không chỉ giành độc lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền mà chủ quyền trên Biển Đông cũng đã được cha ông ta đổ bao xương máu để khẳng định, giữ gìn. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa còn được gọi là Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng và Trường Sa còn gọi là Đại Trường Sa (bãi cát dài lớn) hay Vạn Lý Trường Sa (bãi cát dài vạn dặm) là hai bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
Tuần tra trên đảo Sơn Ca
Đến giờ, hệ thống cây xanh, nhất là các cây di sản trên quần đảo càng minh chứng rõ hơn cho điều ấy. Cả quần đảo Trường Sa hiện có 4 cây di sản đã được công nhận là: cây bàng vuông 8 nhánh (hơn 100 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây mù u (hơn 300 năm tuổi ở đảo Nam Yết), cây phong ba (hơn 100 năm tuổi ở đảo Song Tử Tây) và 1 cây mù u (hơn 100 năm tuổi trên đảo Sơn Ca). Những loài cây này đặc biệt thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng ở quần đảo Trường Sa, quanh năm tươi tốt. Ngoài việc tạo môi trường xanh, che chắn sóng gió, mang lại sức sống cho đảo còn như một cột mốc chủ quyền xanh và để ngư dân khai thác ở ngư trường Trường Sa, lấy đó là điểm đánh dấu để trở về. Hệ thống cây xanh ở đảo Song Tử Tây vô cùng đặc biệt, với rất nhiều gốc cây phong ba cổ thụ, tạo dáng tự nhiên nhưng rất cầu kỳ, hệt như một công viên khổng lồ. Đảo Nam Yết thì được mệnh danh là đảo dừa giữa biển khơi vì ở đây có tới 144 cây dừa và cả đảo phủ kín màu xanh mướt mát của vườn cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông…
Nằm trong không gian rợp một màu xanh của những cây phong ba, bàng vuông cổ thụ, bia chủ quyền (cũ) trên đảo Song Tử Tây là một trong những vị trí trọng yếu, được coi là linh hồn của đảo, trên tuyến đường từ cầu cảng vào trung tâm đảo. Năm 2011, khuôn viên di tích đã được xây hệ thống hàng rào bằng gạch, vôi vữa cao 80 cm bao quanh bia với diện tích 16 m2. Bia chủ quyền ở đảo Nam Yết nằm trong khuôn viên chùa Nam Huyên đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32 m. So với nhiều công trình khác trên đảo, kiến trúc, vị trí của di tích không nổi bật nhưng từ những vết nứt, mỗi nét chữ khắc sâu trên bia đều khiến mỗi người khi tới đây trào dâng một niềm tự hào khôn tả.
Những luống rau xanh trên đảo
Tác nghiệp ở Trường Sa
Đối với “cánh” nhà báo khi đến với Trường Sa đã tìm đến ngay những khu “hậu cần” trên đảo. Ở đây, những chiến sĩ hiên ngang canh giữ biển trời quê hương, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc lại trở thành những người nông dân thực thụ. Ngoài trồng rau, nuôi lợn, gà, vịt, chó... luôn tạo nên một không gian bình dị như đang ở một miền quê nào đó.
Tác nghiệp ở Trường Sa, điều quan trọng nhất là được ngồi nói chuyện, chia sẻ với các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Có những người lính đảo rất trẻ, rụt rè khi nói về mình nhưng lại hăng hái, mạnh dạn hơn khi nói về nhiệm vụ giữ đảo, giữ biển, giúp đỡ ngư dân. Có những cán bộ quân y, ra-đa được biệt phái ra đảo mang theo nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhớ đất liền. Cũng có những sĩ quan đã gắn bó với Trường Sa gần hết cuộc đời binh nghiệp, từ đảo này rồi về đất liền lại ra đảo khác.
Các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu... của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cũng được “cánh” nhà báo khai thác tỉ mỉ, ai cũng muốn được đưa những thông tin đầy đủ và sức chiến đấu, lao động và nhắn gửi về đất liền luôn vững tin nơi hải đảo xa xôi. Dù vậy, nhưng vẫn có những giới hạn nhất định khi tác nghiệp ở một nơi trọng yếu. Trước những nhà báo xa lạ nhưng các anh lại thân thuộc như người đã quen biết tự lâu rồi. Những chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng tay súng, sẵn sàng tâm thế chiến đấu nhưng vô cùng lãng mạn, hiền hòa. Đối với nhiều nhà báo, tác nghiệp ở Trường Sa luôn mang một trách nhiệm thiêng liêng là phải chuyển tải được niềm tin về đất liền rằng các chiến sĩ của ta luôn ngày đêm chắc tay súng để giữ từng tấc biển của cha ông và chuyển tình cảm thương mến, gắn bó, sẻ chia của hậu phương lớn theo con sóng ra từng đảo. Không chỉ vậy, tác nghiệp ở Trường Sa còn là một vinh dự, một niềm tự hào lớn lao mà không phải nhà báo nào cũng có được.
Lính nhà giàn
Trong chuyến hải trình nghìn cây số, ngoài những cây bàng vuông, cây phong ba đầy sức sống; những con ốc xà cừ tuyệt đẹp hay cành hoa san hô, ốc biển được chính những người lính chế tác bằng đôi tay khéo léo... thì món quà đặc biệt nhất đối với bất kỳ ai từng một lần đến với Trường Sa và nhà giàn DK1 được những người lính biển gửi tặng một lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đã được tung bay ở các đảo hoặc những nhà giàn DK1/19 là một kỷ vật vô giá...
Điểm cuối hành trình của Đoàn là được thăm nhà giàn DK1 (Cụm Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật nhà giàn DK1). Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, chúng tôi chỉ lên được một Nhà giàn DK1. Đó là Nhà giàn DK1/19, thuộc cụm Quế Đường. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến nhà giàn. 2 chiếc xuồng nhỏ từ từ được thả từ tàu HQ 571 xuống biển, những thùng nhu yếu phẩm được cẩn thận đưa xuống và xuất phát vào Nhà giàn trước. Chuyến tiếp theo chở cánh phóng viên báo chí nhanh chóng thẳng tiến Nhà giàn DK1/19. Sau 15 phút cưỡi sóng trên biển, Nhà giàn DK1/19 đã hiện trước mắt chúng tôi, khi chỉ cách chừng 50m thì chiếc xuồng bỗng khựng lại đứng im giữa biển. Sóng lớn, các xuồng chưa thể cập vào nhà giàn. 30 phút trên chiếc xuồng nhỏ giữa những con sóng dập dềnh, không ai nói với ai câu nào, ai cũng trong tâm trạng lo lắng vì chưa trải qua cảm giác này bao giờ. Bỗng qua bộ đàm hiệu lệnh cập bến vang lên, chiến sĩ lái tàu nhanh chóng, khéo léo di chuyển chiếc xuồng vào mạn của nhà giàn. Chiến sĩ đứng phía đầu xuồng tung 3 sợi dây thừng cho các chiến sĩ phía trên níu xuồng cho từng người lên. Sau khi trèo lên nhà giàn, tất cả các cán bộ, chiến sĩ đều ôm lấy chúng tôi như người thân xa nhau lâu ngày.
Đại úy Vũ Văn Tưởng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/19 (tháng 6/2014) bắt tay và chia sẻ với chúng tôi, đã nhiều đoàn đến thăm lính nhà giàn chỉ còn cách vài mét nhưng cũng không thể lên được, đành dùng loa hát tặng nhau từ xa. Ở vùng này mưa bão thất thường. Trời đang xanh trong bỗng nổi sóng, nếu sóng lớn mà cho tàu cập bến là rất nguy hiểm ngay cả đối với cán bộ chiến sĩ, chứ chưa nói đến những người không quen sóng nước ở đất liền. Do vậy, khi chưa đủ an toàn thì tuyệt đối không cho tàu vào bến. So với lính biển, lính nhà giàn được đánh giá là vất vả hơn, điều kiện cũng khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là nước sinh hoạt. Với nhà giàn chưa chủ động được nguồn nước vào mùa khô, thì nguồn nước ngọt càng thêm quý giá. Mỗi năm nhà giàn sử dụng khoảng 60 m3 nước. Dù nguồn nước ngọt còn hạn chế nhưng nhà giàn có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho ngư dân đánh bắt ở gần khu vực nhà giàn nếu có yêu cầu. “Nước ngọt hạn chế như vậy nên việc sử dụng nước trên nhà giàn hết sức tiết kiệm. Một lượng nước sử dụng vào nhiều mục đích chứ không để lãng phí. Có khi vào mùa khô thiếu nguồn nước mưa, anh em phải đứng tắm trong chậu và sử dụng nước tắm để tưới cây, phục vụ chăn nuôi, lau rửa sàn nhà…” - Đại úy Tưởng nói.
Nhà giàn DK1/19
Xa đất liền, giữa điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt sóng to, gió lớn, có những đợt bão, sóng mạnh đánh trùm lên cả nhà giàn nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ với phương châm: “Còn người, còn nhà giàn”. Dù khó khăn nhưng vượt qua tất cả, các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc, bảo vệ an toàn Nhà giàn để lá cờ đỏ sao vàng luôn được tung bay, khẳng định chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Ở nơi đầu sóng Trường Sa và Nhà giàn DK1, cuộc sống tuy vất vả nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn vẫn luôn lạc quan và kiên cường, không ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm bám biển, bám đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Tạ Đình Dũng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)