Trong 10 ngày qua, Truyền tải điện Hà Nội đã phải cắt cử lực lượng trực cảnh báo nguy hiểm cho người dân khi đi qua khu vực thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
Nước lũ dâng cao khoảng cách pha - nước chỉ còn khoảng 5,5m |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau cơn bão số 2 và việc nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 04 cửa xả đáy, khu vực Hà Nội từ cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 đã phải đối mặt với tình trạng nước lũ cuồn cuộn chảy qua các sông Bùi, sông Tích.
Hàng nghìn hộ dân ở các xã thuộc huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai đang gặp khó khăn vì bị cô lập, trong khi nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nặng. Nước lũ dâng cao, vượt mức 2m, đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các đường dây truyền tải điện 200kV và 500kV, những đường dây này có nhiệm vụ cung cấp điện từ nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình cho thủ đô Hà Nội.
Trước tình hình cấp bách, ngay khi nhận được thông tin về bão số 2, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) đã chỉ đạo sát sao Truyền tải điện Hà Nội và Truyền tải điện Hòa Bình thực hiện theo chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT).
Phao cảnh báo được lắp đặt ngay dưới hành lang đường dây 220kV |
Ông Nguyễn Văn Đàm - Phó phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Hà Nội cho biết: Mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 2 và với việc thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình xả lũ, từ sáng ngày 24/7, khi mực nước sông Bùi tại trạm Yên Duyệt đạt 6,75m, vượt báo động 2 là 0,25m, chúng tôi đã tổ chức công tác ứng trực. Trong đó, tại khu vực xã Đông Yên có các khoảng cột 84-85 đường dây 220kV Hòa Bình – Tây Hà Nội, khoảng cột 13-14 đường dây 220kV Xuân Mai- Hà Đông và khoảng cột 94-95-96 đường dây 220kV Hòa Bình – Tây Hà Nội (nằm trên địa phận thôn Đông Hạ, xã Đông Yên) nước lũ dâng cao gần 5m, sau 10 ngày đến hôm nay mồng 3/8 xuống còn hơn 3m.
Được biết, đây là khu vực đồng ruộng, khoảng cách pha đất lên đến 10m, nhưng khi lũ về khoảng cách dây dẫn đến mặt nước chỉ còn 5,5m. Sau khi có thông báo nước dâng ở khu vực sông Bùi, sông Tích và khu vực Đông Yên của huyện Quốc Oai, Truyền tải điện Hà Nội đã triển khai toàn bộ công nhân viên khi kiểm tra và ứng trực tại điểm ngập lụt.
Ông Nguyễn Văn Đàm kiểm tra khoảng cách pha nước qua ống nhòm |
“Chúng tôi đã thông báo cho chính quyền địa phương để kịp thời thông báo đến người dân không chèo thuyền, đánh bắt cá hay thu hoạch rau màu trong khu vực ngập nước khoảng 1km và hai phía cách đường dây 220kV là 100m. Đồng thời, sử dụng hệ thống phao thả neo để cảnh báo, bao gồm biển cảnh báo, đèn tín hiệu ban đêm và căng dây có phao khoanh vùng đường dây thuyền bè không được đi vào’- ông Đàm cho biết thêm.
Ông Đỗ Văn Dương- Chủ tịch UBND xã Đông Yên |
Có mặt tại điểm ứng trực, ông Đỗ Văn Dương- Chủ tịch UBND xã Đông Yên cho biết: Khi lũ dâng cao, bên cạnh công tác chống lũ, chống lụt, chính quyền xã đã cùng với Truyền tải điện Hà Nội phân công lực lượng túc trực 24/24 giờ theo dõi, giám sát, để nhắc nhở người dân nhất là người dân sử dụng thuyền đi đánh cá, trông nom cá. Đồng thời, chính quyền xã đã phát đi cảnh báo và tuyên truyền đến người dân thông qua hệ thống phát thanh của xã để tuyên truyền người dân không qua lại những khu vực có nguy cơ mất an toàn cao.
Lực lượng ứng trực nhắc nhở người dân đánh bắt cá ra xa khu vực nguy hiểm |
Hiện lực lượng công nhân của Truyền tải điện Hà Nội vẫn đang tiếp tục ứng trực 24/24, trường hợp nước lũ dâng cao, nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và hệ thống truyền tải điện quốc gia, đơn vị sẽ xin cắt điện. Nếu nước rút đảm bảo khoảng cách an toàn giữa pha lưới và mặt nước là trên 7m thì sẽ dừng công tác trực.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đàm, về lâu dài để đảm bảo an toàn Truyền tải điện Hà Nội đang thực hiện công tác khảo sát và lập duyệt sửa chữa lớn năm 2025 để bổ sung trình Công ty Truyền tải điện 1, EVNNPT và xử lý khoảng cách giữa pha và mặt nước, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đường dây mà đơn vị quản lý trong thời gian tới.