TS. Cấn Văn Lực: 7 trợ lực quan trọng cho nhà đầu tư trong năm 2024

03/04/2024 - 20:19
(Bankviet.com) Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, năm 2024 thị trường Việt Nam có 7 trợ lực quan trọng để các nhà đầu tư có thể lạc quan, tuy nhiên cần chú trọng khẩu vị rủi ro, đòn bẩy tài chính vừa phải cũng như hạn chế tâm lý đám đông.
vih_6231.jpeg
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, bởi quốc gia sẽ bước vào giai đoạn nước rút cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Phát biểu tại Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF tổ chức ngày 26/3, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định Việt Nam đang có 7 trợ lực quan trọng cho thị trường trong năm 2024, bao gồm:

Thứ nhất, kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi nhưng lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm.

Đối với Việt Nam, nhìn từ các động lực tăng trưởng, dự báo năm 2024-2025 kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn. Đặc biệt, nhà đầu tư có thể khai thác các động lực tăng trưởng mới, xu hướng mới như chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ; năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp; đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế; tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hâu; nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Thứ hai, lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, tỷ giá sẽ ổn định hơn.

Thứ ba, triển vọng và xu hướng thị trường. Xanh hoá, số hoá, lành mạnh hoá,… là xu hướng cần đẩy mạnh hiện nay và thời gian tới.

Thứ tư, nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì.

Thứ năm, vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện. Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách tài khóa "mở rộng, trọng tâm" và chính sách tiền tệ "linh hoạt, nới lỏng". Các chính sách này về cơ bản tiếp tục được thực hiện trong năm 2024 nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động nhiều bởi suy giảm kinh doanh, việc làm, thu nhập...

Thứ sáu, niềm tin phục hồi, dù còn chậm. Theo khảo sát của Vietnam Report cuối năm 2023 cho thấy, 63,6% số doanh nghiệp bày tỏ lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong năm 2024. Khảo sát của Eurocham quý IV/2023 cũng cho thấy kết quả tương tự.

Thứ bảy, khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư – kinh doanh dễ dàng hơn vay vốn lãi suất thấp hơn, thanh khoản thị trường tốt hơn.

Nhận định về động lực tăng trưởng, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các động lực tăng trưởng truyền thống đang phục hồi. Khả năng phục hồi sau đại dịch của Việt Nam được đánh giá tốt, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Đặc biệt xuất khẩu đã tăng trở lại, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 19%, thặng dư thương mại được duy trì cao; nhu cầu tại các thị trường chính phục hồi, đơn hàng xuất khẩu tăng dần (dù ngắn hạn). Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 33%.

Thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng tích cực khoảng 13% từ đầu năm, các nhóm ngành tăng trưởng âm trong năm trước đều phục hồi mạnh. Đặc biệt, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

Niềm tin đầu tư kinh doanh tiêu dùng năm 2024 phục hồi. Khả năng huy động nguồn lực, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2% năm 2023 nhưng cần kích cầu đầu tư tư nhân. Tín dụng năm 2024 đạt 14-15% là khả thi. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước đang bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng vẫn còn nhiều thách thức khi rủi ro bên ngoài, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến đà phục hồi của xuất khẩu và đầu tư còn chậm, tăng trưởng đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp; giải ngân đầu tư công chưa có đột phá; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về pháp lý, nghĩa vụ tài chính và chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng phục hồi còn chậm. Việc cơ cấu lại doanh nghiệp niêm yết vẫn gặp nhiều thách thức.

Từ những thách thức đó, TS. Cấn Văn Lực đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp cần kiến định đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ tài khoá, thuế - phí; đa dạng hoá nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tận dụng cơ hội từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhât Bản, Úc,…

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, quan trọng nhất là khẩu vị rủi ro, đa dạng hoá danh mục đầu tư, đòn bẩy tài chính vừa phải, hạn chế tâm lý đám đông, tích luỹ kiến thức kinh nghiệm và sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ