Quản trị nguồn vốn tập trung: Xu hướng chiến lược của các doanh nghiệp lớn

15/07/2025 - 11:47
(Bankviet.com) Khi các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng quy mô và hoạt động phức tạp hơn, vai trò của chức năng quản trị nguồn vốn đang được định nghĩa lại. Quản trị nguồn vốn tập trung đang trở thành tiêu chuẩn mới – không chỉ để kiểm soát tài chính, mà còn là chìa khóa chiến lược giúp doanh nghiệp linh hoạt và bền vững trong môi trường cạnh tranh cao.

Hệ quả của việc quản trị nguồn vốn rời rạc

Hoạt động quản trị nguồn vốn thường được triển khai riêng lẻ tại từng công ty con. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động trên nhiều tỉnh thành hoặc quốc gia, mô hình này bắt đầu bộc lộ hạn chế như thiếu tính đồng bộ, giảm khả năng kiểm soát và phản ứng chậm với biến động tài chính.

Cụ thể, theo báo cáo gần đây do PwC công bố, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn vận hành hệ thống quản trị nguồn vốn rời rạc, nơi từng công ty con tự quản lý dòng tiền và báo cáo tài chính. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ quả:

Thứ nhất, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động. Trong các nền tảng phi tập trung, mỗi công ty con tự quản lý tài chính, dẫn đến các quy trình lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, nếu một công ty toàn cầu có 10 công ty con, mỗi công ty con dành 50 giờ mỗi tháng cho việc dự báo dòng tiền, thì tổng cộng là 500 giờ, gây lãng phí khoảng 600 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 7,2 tỷ đồng mỗi năm (với giả định mức phí 12 triệu đồng mỗi giờ).

Thứ hai, sự thiếu minh bạch trong thông tin. Các nền tảng phi tập trung tạo ra các dữ liệu phân mảnh, điều này gián tiếp giới hạn Ban lãnh đạo trong việc nắm bắt tình hình tổng thể. Ví dụ, nếu hai công ty con nắm giữ 360 tỷ đồng tiền mặt nhưng có 240 tỷ đồng nợ phải trả, thì Ban lãnh đạo có thể bỏ sót vấn đề thanh khoản tiềm ẩn và thu nhập từ lãi vay bị thất thoát từ việc quản lý dòng tiền tập trung.

Thứ ba, quản lý rủi ro không đồng nhất. Quản trị phi tập trung dẫn đến các phương pháp đánh giá rủi ro khác nhau, làm tăng mức độ rủi ro tài chính tiềm ẩn. Nếu không có chiến lược phòng ngừa rủi ro thống nhất, một doanh nghiệp phải đối mặt với biến động về tỷ giá với khoản tiền 2,4 nghìn tỷ đồng, có thể chịu tổn thất lên đến 120 tỷ đồng từ các vị thế không được phòng ngừa.

Thứ tư, chi phí vận hành tăng cao. Việc duy trì nhiều chức năng quản trị nguồn vốn trên nhiều đơn vị làm tăng chi phí hoạt động. Nếu mỗi đơn vị chi 4,8 tỷ đồng mỗi năm cho các hoạt động quản trị nguồn vốn, năm đơn vị sẽ tiêu tốn tổng cộng 24 tỷ đồng mỗi năm. Việc tập trung hóa có thể giảm chi phí từ 30 - 50%, tiết kiệm từ 7,2 đến 12 tỷ đồng mỗi năm.

Tập trung hóa hoạt động nguồn vốn giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện và tức thời

Mô hình quản trị nguồn vốn tập trung mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, việc hợp nhất dòng tiền giúp tối ưu thanh khoản và giảm nhu cầu vay vốn. Đồng thời, việc quản lý rủi ro cũng trở nên hiệu quả hơn nhờ vào các công cụ như hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hay chính sách đánh giá tín dụng được triển khai đồng nhất.

Báo cáo PwC cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, bất động sản và bán lẻ đã triển khai thành công các công cụ này để giảm thiểu rủi ro từ tỷ giá, lãi suất và thanh khoản. Ngoài ra, việc sử dụng các hệ thống công nghệ hiện đại giúp loại bỏ công việc trùng lặp, tăng độ chính xác và minh bạch trong báo cáo, đồng thời nâng cao mức độ tin cậy với nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, dược phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam là những ví dụ điển hình cho hiệu quả mà mô hình tập trung mang lại.

PwC cho biết, các doanh nghiệp sau khi áp dụng mô hình tập trung đã ghi nhận nhiều cải thiện rõ rệt: nhu cầu vốn lưu động giảm 5–15%, lượng dư tiền mặt giảm 10–30%, thu nhập lãi tăng 1–5%, rủi ro tỷ giá giảm 20–50% và chi phí vay giảm 10–20%. Đây là những con số cho thấy tác động rõ rệt của việc cải tổ hệ thống quản trị tài chính.

Theo PwC, một doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng mô hình quản trị nguồn vốn tập trung khi đáp ứng một số tiêu chí như: có từ 3 đến 5 đơn vị thành viên trở lên, doanh thu từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng (đặc biệt hiệu quả với doanh nghiệp trên 3.000 tỷ đồng), hoạt động tại nhiều địa phương hoặc quốc gia và xử lý từ 1.000 đến 5.000 giao dịch mỗi tháng. Đây là những điều kiện cho thấy quy mô và độ phức tạp đã đủ để mô hình phân tán trở nên không còn phù hợp.

Về cách thức triển khai, PwC chỉ ra ba mô hình vận hành phổ biến: Trung tâm Tài chính Toàn cầu (Global Treasury Center – GTC) phù hợp với các tập đoàn quốc tế có hoạt động toàn cầu; Trung tâm Tài chính Khu vực (Regional Treasury Center – RTC) tối ưu cho doanh nghiệp có hoạt động tại nhiều quốc gia trong cùng khu vực, như Coca-Cola đã áp dụng để kiểm soát dòng tiền tại châu Á – Thái Bình Dương; và Trung tâm Dịch vụ Tài chính Chia sẻ (Shared Services Treasury Center – SSTC) cung cấp dịch vụ tài chính tập trung cho nhiều đơn vị cùng lúc.

Có thể nói, quản trị nguồn vốn tập trung không chỉ là giải pháp kiểm soát vận hành, mà còn là đòn bẩy chiến lược để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tài chính, giảm chi phí, quản trị rủi ro chủ động và tạo dựng niềm tin với cổ đông cũng như đối tác. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và biến động kinh tế khó lường, đây là hướng đi mang tính tất yếu đối với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Uyên Tô

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ