Nhiều khác biệt trong xuất nhập khẩu
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho biết, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm nay có sự khác biệt so với nhiều năm, có một số động thái mới, nổi bật nhưng không phải tất cả đều tốt.
Cụ thể, động thái thứ nhất là sự suy giảm cả xuất khẩu và nhập khẩu tới 16-17%. “Điều này cũng nằm trong xu hướng khó khăn chung của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu không tốt cho đất nước” - TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Động thái thứ hai là vấn đề xuất siêu của Việt Nam rất cao, khoảng 12-13 tỷ. Đây là động thái tốt, là con số khổng lồ từ trước đến nay.
Động thái thứ ba, là có một nghịch lý, bình thường các năm, hàng công nghiệp xuất khẩu rất mạnh, thì năm nay mặt hàng này lại rất là kém. Trong khi nông nghiệp lại "lên ngôi", đặc biệt là mặt hàng gạo. “Xuất khẩu gạo tăng 25% nhưng giá trị tăng tới 36-37% cho thấy chúng ta vẫn cần dựa nhiều vào nông nghiệp và coi nông nghiệp như một trong những trụ cột của kinh tế và xuất khẩu” - ông Phong nhận định.
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu |
Động thái thứ tư, là trong hoạt động xuất khẩu, hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất lớn nhất và xuất siêu cao nhất; còn Trung Quốc thì ngược lại, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và nhập siêu cao nhất… Theo ông Phong, đây là xu hướng từ trước đến nay và cho thấy chưa có sự cải thiện đối với những thị trường lớn.
Vị chuyên gia cũng cho biết, riêng ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, những tháng qua, đề xuất nhập khẩu thấp, có thể thấy đây sẽ là năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp. “Khả năng ba ngành này đều có thể không đạt kế hoạch đặt ra, hoặc cố gắng thì bằng mức năm 2022 mà không có tăng trưởng. Điều này rất khách quan và cũng đòi hỏi Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường nhiều hơn và hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để họ phục hồi lại” - ông Phong nhận định.
Cải tiến mạnh mẽ việc đa dạng thị trường
Dự báo triển vọng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng còn phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là phụ thuộc vào thị trường nước ngoài tăng nhập đến đâu và hạn chế hàng rào kỹ thuật đến đâu? Hai là, phụ thuộc vào nguồn hàng của Việt Nam, sức cạnh tranh của Việt Nam và nhất là việc đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của các nước mà Việt Nam xuất khẩu. “Theo tôi năm nay chắc chắn nông nghiệp sẽ xuất khẩu tốt, cao hơn năm ngoái, còn công nghiệp kém và thấp hơn” ông Phong nhận định.
Để tình hình xuất nhập khẩu những tháng cuối năm đạt hiệu quả, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, đối với nông nghiệp, Việt Nam phải gỡ được thẻ vàng của EU, bởi vì việc xuất khẩu thủy sản, hải sản đang kém đi nhiều và thẻ vàng vẫn treo là một trong những cản trở.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần cải tiến mạnh mẽ việc đa dạng thị trường cho các doanh nghiệp. Ví dụ, dệt may, da giày, đồ gỗ cần được mở rộng thị trường sang các nước mới.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, thời gian qua, Bộ Công Thương cơ bản đã làm tốt trong việc phân cấp, cũng như khả năng cho phép trong mức độ pháp luật hiện hành. “Bộ Công Thương đã có rất nhiều hành động, sự hỗ trợ doanh nghiệp bằng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng những thể chế môi trường để xuất khẩu tốt nhất” - vị chuyên gia đánh giá đồng thời cho rằng, có những điều vượt quá sức lực của Bộ Công Thương và cần quyết định từ Chính phủ. Đó là các vấn đề về đa dạng hóa thị trường và mở thị trường mới cho các doanh nghiệp, nhất là thị trường các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh, thậm chí ngay cả châu Âu.
“Tại khu vực châu Âu, vai trò của Bộ Công Thương đang bị hạn chế, bởi khi các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang Nga, hay các nước SND thì đang lo ngại bị Mỹ trừng phạt gián tiếp. Chính vì vậy, với các vấn đề này cần đến Chính phủ với công tác ngoại giao và các hoạt động cấp cao” - ông Phong nêu quan điểm.
Đối với Bộ Công Thương, vị chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương cần nghiên cứu và giám sát thị trường đối với từng phân khúc, từng nhóm thị trường để xây dựng các thể chế nhằm xuất khẩu bền vững và không bị trừng phạt trong tình hình thế giới căng thẳng như hiện nay.
Ngoài ra, Bộ Thông Thương cần phải cập nhật các hàng rào kỹ thuật, thông báo cho các doanh nghiệp biết sớm để thực hiện đầy đủ và vượt qua được các hàng rào này.
Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng cần xây dựng hàng rào trong nước để bảo vệ thị trường trong nước, đi cùng với đó là khuyến khích các hoạt động phân phối để khai thác hiệu quả thị trường trong nước.
“Bộ Công Thương cũng cần định vị những chuỗi sản xuất, tiêu dùng. Bởi hiện nay một số chuỗi cũ, truyền thống đang bị đứt đoạn, còn chuỗi mới có cơ hội nhưng để hiện thực hóa được thì cần nhiều hỗ trợ và Bộ Công Thương phải là bộ ngành đi đầu” - ông Phong kiến nghị.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong một trong những yếu tố tác động đến sự sống còn của doanh nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu là liên quan tới tín dụng, lãi suất và việc tích cực cho vay của ngành ngân hàng. Theo ông Phong, nếu cứ cho vay với lãi suất trên 10% thì doanh nghiệp sẽ "khó sống". |
Hoàng Lan