TS. Nguyễn Minh Phong: “Nghị quyết 68 lần đầu đặt kinh tế tư nhân ở vị trí cao nhất của nền kinh tế”

15/05/2025 - 00:11
(Bankviet.com) Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ định kiến, mà còn đặt nền móng cho khu vực kinh tế tư nhân bước vào thời kỳ phát triển thực chất và bền vững.
Chủ trương - Chính sách

TS. Nguyễn Minh Phong: “Nghị quyết 68 lần đầu đặt kinh tế tư nhân ở vị trí cao nhất của nền kinh tế”

Hồng Giang 14/05/2025 17:42

Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ định kiến, mà còn đặt nền móng cho khu vực kinh tế tư nhân bước vào thời kỳ phát triển thực chất và bền vững.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội khẳng định Nghị quyết 68 là một bước ngoặt lớn. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mà trong đó, kinh tế tư nhân được đặt vào “vị trí cao nhất” từ trước đến nay trong cấu trúc nền kinh tế.

Trong suốt nhiều thập kỷ qua, quá trình điều chỉnh chính sách đối với kinh tế tư nhân diễn ra khá “gập ghềnh”, lúc mở, lúc thắt và chưa nhất quán, chưa bao giờ đưa kinh tế tư nhân đạt đến đỉnh cao nhất như hiện nay.

Nói cách khác, Nghị quyết 68 này là lần đầu tiên đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí của nó trong thực tiễn và ở mức cao nhất trong nền kinh tế.

Ngoài ra, Nghị quyết còn xác định là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Minh Phong Nghị quyết 68 không chỉ là một văn bản định hướng mà còn được đánh giá là nghị quyết đỉnh cao nhất của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, bởi nó đánh dấu sự hội tụ về tư duy, tổng kết thực tiễn và thể hiện sự chuyển mình rõ nét trong đường lối phát triển đất nước.

TS. Nguyễn Minh Phong
TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh Nghị quyết 68 cần được phát triển và sớm cụ thể hóa trong thực tiễn

Nghị quyết này yêu cầu phải xóa bỏ triệt để các định kiến, nhận thức sai lệch, tư duy lỗi thời về kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần tạo ra những đột phá thể chế để khu vực này có điều kiện phát triển đúng với năng lực, đúng với yêu cầu và đúng hướng đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng… phù hợp với yêu cầu thời đại. Đây đều là những nền tảng trọng yếu và nếu được chuyển hóa tốt nó sẽ giúp cho nền kinh tế tư nhân đi vào kỷ nguyên mới.

Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết 68 cần được phát triển sâu sắc hơn nữa và sớm được cụ thể hóa trong thực tiễn đời sống.

Với định hướng xem nền kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, Nghị quyết 68 sẽ tạo niềm tin lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Khi định hướng chính sách rõ ràng và nhất quán, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn để rót vốn dài hạn, mở rộng đầu tư, đồng thời sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực có chu kỳ hoàn vốn dài. Chính sự ổn định về mặt chính sách này không chỉ tạo nền tảng cho tăng trưởng giá trị cổ phiếu mà còn củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết, trở ngại đầu tiên cần phải tháo gỡ chính là nhận thức xã hội. Nghị quyết nêu rõ yêu cầu phải xóa bỏ hoàn toàn những định kiến, hiểu sai hoặc hiểu không đúng về kinh tế tư nhân. Song song đó là nhu cầu cấp thiết về một đột phá thể chế, tạo điều kiện để khu vực này hoạt động tự do, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, được bảo hộ quyền lợi chính đáng và nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước.

Trong số các thách thức hiện hữu, tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong hệ thống quản lý hiện nay là vấn đề cần phải giải quyết triệt để. Đây là nguyên nhân làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, làm mất cơ hội phát triển và triệt tiêu động lực đầu tư. Việc cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực thực thi và xử lý dứt điểm những tồn tại này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 68 đề ra.

Đánh giá về những chuyển biến trong trung và dài hạn nếu Nghị quyết 68 được thực thi, TS. Nguyễn Minh Phong đánh giá, thực tế, tác động tích cực của Nghị quyết bước đầu mới chỉ thể hiện ở sự giải tỏa về tâm lý, thay đổi nhận thức và thái độ xã hội đối với khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, để thể chế hóa các nội dung này thành hành động cụ thể, cần một quá trình dài hơi và thận trọng, bao gồm sửa đổi Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định liên quan. Đặc biệt, sau giai đoạn tinh gọn bộ máy, cần có thời gian để hệ thống hành chính vận hành ổn định, trơn tru. Chỉ khi đó, những tác động thực chất đến khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được phát huy.

Trong ngắn hạn, quá trình tái cơ cấu có thể gây ra những trục trặc trong quản lý, xuất phát từ tâm lý né tránh, e ngại trách nhiệm, hoặc do các quy hoạch, chính sách bị tạm dừng để phục vụ sáp nhập. Chính vì vậy, trong năm nay, khu vực kinh tế tư nhân có thể tiếp tục gặp phải một số khó khăn nhất định.

Về dài hạn, đến sau Đại hội XIV, khi thể chế được hoàn thiện và bộ máy hành chính đi vào vận hành ổn định, điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển sẽ trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Khi đó, khu vực tư nhân chắc chắn sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ, phát huy đầy đủ vai trò và vị thế như kỳ vọng chiến lược mà Nghị quyết 68 đã đặt ra.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, gần 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ, không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế…

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán