TS. Nguyễn Quốc Hùng: Phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm tài chính luôn được các tổ chức tín dụng đặt lên hàng đầu

01/07/2024 - 17:22
(Bankviet.com) Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tại Hội thảo về chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phòng, chống tội phạm tài chính”, tổ chức ngày 11/6, tại Hà Nội.
af2i2882.jpg
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA - phát biểu tại Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phòng, chống tội phạm tài chính

Hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Công ty LUCID Groupe Pte.Ltd (LUCID) tổ chức, và có sự hỗ trợ của Công ty Symphony AI.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phòng, chống tội phạm tài chính” là chủ đề đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Luật Các TCTD và Luật Phòng, chống rửa tiền đã được Quốc hội thông qua, kèm theo đó là các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... được ban hành và yêu cầu triển khai phòng, chống rửa tiền rất quyết liệt. Do đó, Việt Nam được Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) ghi nhận những thay đổi tích cực trong khung khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao trải nghiệm ứng dụng, tạo ra những tiện ích và thuận lợi, đem đến những dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình hình tội phạm tài chính/tội phạm rửa tiền ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến nguy cơ các TCTD bị lợi dụng.

Chẳng hạn, tội phạm có thể lợi dụng tính năng của tài khoản ngân hàng để phục vụ cho hành vi tổ chức đánh bạc trực tuyến nhằm rửa tiền/thu lợi bất chính; lợi dụng tài khoản ngân hàng thực hiện hành vi trốn thuế, sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện giao dịch liên quan đến hoạt động của tổ chức hoặc giao dịch thay cho đối tượng khác; chiếm đoạt/mua bán tài khoản ngân hàng trái phép; lợi dụng các sản phẩm/dịch vụ tài trợ thương mại để rửa các nguồn tiền bất chính, thông qua các hợp đồng khống tạm nhập tái xuất hàng hóa; hoặc khai báo nhiều hoặc ít hơn số lượng hàng hóa thực tế được vận chuyển; sử dụng thẻ trả trước/thẻ tín dụng/sản phẩm cho vay để rửa tiền; lợi dụng các tiện ích chuyển tiền quốc tế để chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích rửa tiền.

Trước bối cảnh đó, VNBA đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo liên quan đến phòng, chống rửa tiền nhằm trao đổi, thảo luận và từ những thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm phòng, chống rửa tiền của quốc tế, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền sao cho phù hợp nhất, đảm bảo các TCTD có thể triển khai hiệu quả, không vướng mắc. Đây là một trong những nội dung mà VNBA phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền và nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã tổ chức nhiều hội thảo rất thành công, được các TCTD quan tâm.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, qua trao đổi với các Hiệp hội Ngân hàng trong khu vực ASEAN và châu Á cũng như các nền kinh tế phát triển như Hồng Kông (Trung Quốc), có thể thấy tốc độ phát triển về chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh một cách vượt bậc. Vì vậy, việc triển khai các ứng dụng trải nghiệm đối với khách hàng của các TCTD là rất cần thiết, nhất là khi Quyết định 2345/2023/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và triển khai Luật Giao dịch điện tử, trong đó quy định chuyển tiền từ 10 triệu đồng phải xác thực sinh trắc học. Điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng nhưng hạn chế rất lớn rủi ro tiềm ẩn trong giao dịch điện tử.

"Vì vậy, tính cấp thiết của công tác phòng chống rửa tiền, phòng chống tội phạm tài chính luôn được NHNN và các TCTD đặt lên hàng đầu", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực nghiên cứu, trang bị các giải pháp, ứng dụng công nghệ Blockchain và AI, dữ liệu datafile, ứng dụng eKYC, công nghệ sinh trắc học để xác thực thông tin khách hàng/chủ tài khoản ngân hàng. Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã thành lập bộ phận chuyên trách phòng chống rửa tiền.

TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ: "sự quan tâm của ban lãnh đạo ngân hàng đối với vấn đề này ngày càng lớn, quy mô phát triển của phòng ban chuyên trách ngày càng tăng. Hệ thống ngân hàng quyết tâm thay đổi nhận thức cho toàn bộ hệ thống về phòng chống rửa tiền và xác định cần chủ động trước cả khi các quy định ban hành, dựa trên các thông lệ quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường kết nối với Bộ Công an là hết sức cần thiết".

Minh Ngọc

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ