Phóng viên: Trong bối cảnh khó khăn và chịu tác động bởi nhiều cơn gió ngược từ bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận phục hồi và tăng trưởng trong năm qua. Đóng góp vào kết quả chung đó, không thể không kể đến đóng góp của ngành Ngân hàng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng. Vượt qua năm 2023 chông gai, ông có dự cảm như thế nào về hoạt động ngân hàng trong năm 2024, thưa ông?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với ngành Ngân hàng. Bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp khó lường đã tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, thị trường vốn (nhất là trái phiếu), thị trường bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nợ xấu ngân hàng có chiều hướng gia tăng.
Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt, thận trọng, hài hòa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giữ vững vị thế đồng tiền Việt Nam và bảo đảm an toàn hệ thống.
Bước sang năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp do thách thức từ xung đột địa chính trị trên thế giới, lạm phát nhiều quốc gia trên thế giới được dự báo vẫn còn ở mức cao, kéo theo lãi suất chưa thể giảm nhanh. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô dự kiến vẫn đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ bên ngoài và “con sóng ngầm” từ bên trong.
Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải giải quyết những tồn tại cũ, vừa phải đối mặt với biến động chưa báo trước. Song, tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng và sự đồng lòng sát cánh của Hiệp hội Ngân hàng, chắc chắn ngành Ngân hàng sẽ vững vàng, ổn định vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Chính phủ, Quốc hội giao.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng, chúng tôi cam kết luôn đồng hành cùng các tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như đề nghị các tổ chức hội viên tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tạo niềm tin đối với khách hàng gửi tiền, cũng như vay vốn.
Phóng viên: Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam luôn sát cánh cùng các tổ chức hội viên, khẳng định vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào thành công chung của toàn ngành Ngân hàng. Ông có đề xuất, kiến nghị gì giúp các TCTD vượt qua những thách thức, khó khăn trong năm 2024?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Có thể nói, trong năm 2023, Hiệp hội Ngân hàng đã luôn đồng hành cùng các tổ chức hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, song cũng kêu gọi hội viên nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng tuân thủ theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ của Ngành, tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục thể hiện mạnh mẽ hơn trên các phương diện hoạt động, tích cực và có trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức hội viên.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Để giúp tổ chức hội viên vượt qua những thách thức, khó khăn trong năm 2024, tôi có một số kiến nghị như sau:
Đối với Chính phủ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước; rà soát các quy định liên quan đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế, tạo niềm tin với nhà đầu tư; xem xét sớm ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định thử nghiệm (sandbox) về hoạt động công nghệ tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số một cách toàn diện của ngành Ngân hàng.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ xem xét trong thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế Giá trị gia tăng đối với hoạt động Thư tín dụng (L/C) từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh xử lý tội phạm trên không gian mạng, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; có giải pháp quyết liệt hơn đối với các hội, nhóm "rủ nhau bùng nợ", khách hàng cố tình chây ỳ không trả nợ, tiếp tục triệt phá các ổ nhóm "tín dụng đen", đồng thời xem xét sửa đổi Bộ Luật dân sự năm 2015 theo hướng quy định trách nhiệm trường hợp người vay cố tình không trả nợ .
Đối với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị xem xét kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm khoảng 1 năm để giúp doanh nghiệp có khả năng phục hồi, vượt qua khó khăn, tuy nhiên cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng: doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn, hoãn nợ mà có thể cho vay mới. Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ mà chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, phần thiếu hụt xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro của TCTD.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán, bảo mật thông tin khách hàng theo quy định pháp luật.
Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân, bên thềm năm mới Giáp Thìn 2024, để hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra cho năm 2024, ông có nhắn nhủ gì đến các tổ chức hội viên?
TS. Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2024 là năm vô cùng đặc biệt, đánh dấu mốc kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (14/5/1994 - 14/5/2024). Từ một hội nghề nghiệp ra đời sớm nhất, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã trở thành mái nhà chung, là cầu nối, đồng hành cùng các tổ chức hội viên thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của ngành Ngân hàng, của đất nước, cũng như đồng hành cùng với quá trình phát triển của các tổ chức hội viên. Chúng ta không chỉ "liên kết tạo sức mạnh", chúng ta còn "liên kết để phát triển". Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới hơn nữa, để sát cánh cùng các tổ chức hội viên phát triển an toàn, bền vững. Đồng thời, phấn đấu, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024.
Sức mạnh của Hiệp hội là sự liên kết, phát triển của tất cả các tổ chức hội viên. Bước sang năm mới 2024, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới. Hiệp hội Ngân hàng tin tưởng rằng, năm 2024 là năm bản lề quan trọng, với sự quyết tâm và nỗ lực, tất cả các tổ chức hội viên sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, phát triển an toàn, bền vững, đóng góp chung vào kết quả của ngành Ngân hàng và góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, thay mặt Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng, tôi kính chúc toàn thể hội viên của Hiệp hội và gia đình năm mới hạnh phúc, mạnh khỏe, an khang và thịnh vượng! Chúc các Hội viên phát triển bền vững, tiếp tục gặt hái nhiều thành công rực rỡ trong năm mới 2024.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lê Ngọc (thực hiện)