Dư luận xã hội đang xôn xao trước thông tin một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của một ngân hàng với số tiền nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm “quên” trả, dư nợ hiện tại đã lên tới 8,8 tỉ đồng. Chưa bàn tới việc khách hàng và ngân hàng ai đúng/ai sai nhưng vụ việc trên đã khiến nhiều khách hàng vay cảm thấy lo lắng khi sử dụng các dịch vụ tài chính từ ngân hàng, đồng thời câu chuyện cũng đặt ra yêu cầu về việc nâng cao hiểu biết và kĩ năng tài chính của người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Làm sao để khách hàng vay có thể kiểm tra/kiểm soát thông tin tín dụng của bản thân? Cách xử lí khi phát hiện thông tin tín dụng bị sai sót? Làm sao để khách hàng vay tránh phát sinh nợ xấu?
Bài viết dưới đây sẽ giúp khách hàng vay trang bị những kiến thức tài chính cơ bản để trở thành người tiêu dùng tài chính thông thái, tránh xảy ra những câu chuyện đáng tiếc nêu trên.
1. Thông tin tín dụng là gì?
Thông tin tín dụng là các thông tin về cá nhân, pháp nhân (khách hàng vay) có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam do đơn vị nào làm đầu mối?
Ở Việt Nam, hoạt động thông tin tín dụng của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối. CIC thực hiện các chức năng chính sau: Thu thập cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng từ 100% các TCTD trong hệ thống ngân hàng; cung cấp báo cáo thông tin tín dụng cho hệ thống các TCTD, báo cáo chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, báo cáo xếp hạng tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp.
3. CIC hỗ trợ khách hàng vay qua kênh nào?
Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay (Website: https://cic.gov.vn và ứng dụng trên
điện thoại thông minh Android và iOS) là kênh kết nối giữa CIC và khách hàng vay với nhiều tiện ích, hỗ trợ khách hàng vay:
- Khai thác các báo cáo tín dụng của bản thân.
- Đăng kí nhu cầu vay, kết nối với tổ chức tín dụng chính thống.
- Tiếp cận thông tin giáo dục tài chính.
4. Cách thức khai thác báo cáo thông tin tín dụng?
Khách hàng vay tham khảo hướng dẫn khai thác báo cáo thông tin tín dụng tại Website: https://cic.gov.vn, mục “Hướng dẫn nhanh cách sử dụng Mobile App” hoặc trang Facebook “Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - CIC”.
5. Mức phí khai thác báo cáo thông tin tín dụng khách hàng vay
- Khách hàng vay được khai thác miễn phí báo cáo tín dụng của bản thân 1 lần/năm.
- Từ lần khai thác thứ hai trong năm, khách hàng vay phải trả phí 20.000 đồng/bản báo cáo đối với báo cáo thông tin tín dụng cá nhân, 50.000 đồng/bản báo cáo thông tin tín dụng doanh nghiệp (chưa bao gồm VAT).
6. Khách hàng quản lí thông tin cá nhân như thế nào và làm gì nếu phát hiện thông tin tín dụng bị sai sót?
Để quản lí thông tin cá nhân, tránh trường hợp khách hàng bị mạo danh để lừa đảo:
- Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin định danh cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân cho các bên cung cấp dịch vụ, chỉ chia sẻ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ thực sự uy tín và đáng tin cậy. Tuyệt đối không cho người khác mượn giấy tờ cá nhân để thực hiện giao dịch tài chính.
- Thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng khi phát hiện bị lừa đảo.
Xử lí khi phát hiện thông tin tín dụng bản thân bị sai sót:
Bước 1: Đăng kí tài khoản và tự kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân tại CIC theo các hướng dẫn.
Bước 2: Nếu phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài 1800585891 hoặc chuyên mục “Khiếu nại/phản hồi” tại Website: http://cic.gov.vn (gửi kèm giấy tờ chứng minh):
+ Nếu sai sót trong quá trình xử lí dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh sai sót và thông báo kết quả cho khách hàng.
+ Nếu thông tin sai sót tại TCTD báo cáo thông tin, cán bộ CIC sẽ hướng dẫn khách hàng làm việc với TCTD có liên quan để xác minh, giải đáp. Trường hợp xác định có sai sót, Tổng Giám đốc TCTD hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị CIC cập nhật, điều chỉnh thông tin đúng.
7. Cách thức cải thiện điểm tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu?
CIC đưa ra một số tiêu chí, định hướng cho khách hàng tham khảo để có thể nâng cao được điểm số tín dụng của mình, tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn tại các TCTD như sau:
- Chỉ vay vốn/mở thẻ tín dụng khi thực sự cần thiết và tính toán kĩ khả năng trả nợ dựa trên thu nhập thực tế.
- Có kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn; luôn có ý thức trả nợ, dù là khoản nợ nhỏ.
- Thường xuyên kiểm tra thông tin tín dụng của bản thân qua Cổng Thông tin.
- Khi có nhiều khoản nợ cùng lúc khách hàng nên cố gắng chi trả dần số dư nợ hiện tại, không nên phát sinh thêm nhiều khoản nợ mới, đặc biệt là nợ tín chấp, nợ vay tiêu dùng.
Văn Hải