Chứng khoán RHB vừa được "sang tay"
Thông báo từ Public Bank Vietnam, ngày 19/2/2024, tổ chức này đã ký kết thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư RHB (Malaysia) để nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Chứng khoán RHB Việt Nam. Đến ngày 4/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận giao dịch chuyển nhượng trên.
Tháng 3/1992, BIDV và Public Bank Berhad (Malaysia) góp vốn thành lập liên doanh với tỷ lệ 50:50 |
Sau giao dịch, ngày 21/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép điều chỉnh thay đổi tên cho Công ty TNHH Chứng khoán RHB Việt Nam thành Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam (Public Bank Securities Vietnam Company Limited, PBSV).
Được biết, đây đã là lần thứ hai công ty chứng khoán này thay chủ và đổi tên. Tiền thân của Chứng khoán Ngân hàng Public Việt Nam là Công ty CP Chứng khoán Việt Nam, thành lập ngày 27/11/2006 với vốn điều lệ 9 tỷ đồng.
Năm 2019, công ty đổi tên và chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Song song với việc đổi tên, cấu trúc cổ đông của công ty cũng có sự thay đổi, RHB Investment Bank Berhad mua lại cổ phần của nhóm cổ đông gồm bà Chu Thị Phương Dung (42,9% vốn), bà Trương Lan Anh (5,1%) và Công ty CP Môi giới Bảo hiểm Việt Quốc (3%). Tổng sở hữu sau giao dịch là 100%.
Thương vụ nhận chuyển nhượng dự kiến sẽ diễn ra vào quý 3/2024 |
Vốn điều lệ của công ty giữ ở mức 135 tỷ đồng từ đó cho tới nay, hiện xếp vào loại công ty chứng khoán "siêu" nhỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Với quy mô vốn khiêm tốn, mô hình hoạt động của RHB Việt Nam cũng khá tinh gọn với 23 nhân viên tính đến ngày 31/3.
Quy mô công ty nhỏ dẫn đến tình hình kinh doanh của PBSV cũng không mấy khả quan khi ghi nhận 4 năm liên tiếp thua lỗ từ 2020-2023.
Mức lỗ nặng nhất mà PBSV ghi nhận là lỗ gần 7,6 tỷ đồng trong năm 2022, cũng là giai đoạn thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến xấu, không thuận lợi. 4 năm thua lỗ đã đánh bay khoảng 22 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của PBSV, chiếm đến 50% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận tại cuối năm 2020.
Gần đây nhất, trong quý 1/2024, PBSV tiếp tục báo lỗ sau thuế gần 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ đã thu hẹp dần so với mức lợi nhuận âm hơn 1,3 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Về phần Public Bank Vietnam, ngân hàng này có vốn 100% nước ngoài, thuộc sở hữu của Public Bank Berhad (Malaysia), được chuyển đổi từ một trong những ngân hàng liên doanh đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 3/1992, BIDV và Public Bank Berhad (Malaysia) góp vốn thành lập liên doanh với tỷ lệ 50:50. Thông tin trên website, nhà băng này cho biết có mạng lưới 22 chi nhánh, 18 phòng giao dịch trên cả nước với hơn 1.000 nhân viên.
Tính đến 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Public Bank Vietnam là 25.858 tỷ đồng, vốn điều lệ của ngân hàng là 6.000 tỷ đồng và tổng tài sản 49.327 tỷ đồng. Đối tượng được ngân hàng cho vay nhiều nhất là cá nhân và đối tượng khác (11.653 tỷ đồng).
Bóng dáng các ngân hàng đằng sau CTCK
Những năm gần đây, nhiều ngân hàng có xu hướng thâu tóm, gia tăng sở hữu tại các công ty chứng khoán.
Mới đây nhất, tháng 4/2024, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã lên kế hoạch góp vốn, mua cổ phần vào Công ty Chứng khoán ASEAN với tỷ lệ sở hữu dự kiến đạt mức tối đa 100%.
Trước đó, tháng 10/2023, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) công bố chi 800 tỷ đồng mua tối đa 30% cổ phần tại Chứng khoán HD.
Trong năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã mua lại Chứng khoán ASC, đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS).
Đại diện các nhà băng cho rằng, việc mua cổ phần của một công ty chứng khoán sẽ tạo cơ hội cho ngân hàng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa các nhóm sản phẩm dịch vụ, bán chéo sản phẩm và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối cho các nhóm đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân, đa dạng hóa hoạt động đầu tư, từ đó đa dạng hóa doanh thu và tối ưu hóa vốn góp của cổ đông.
Ngoài các thương vụ nêu trên, hiện số lượng ngân hàng nắm giữ tỷ lệ sở hữu ở mức chi phối hoặc tuyệt đối tại công ty chứng khoán là không ít.
Có thể kể tới như Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), công ty con với tỷ lệ sở hữu 100% bởi Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank); Chứng khoán ACB (ACBS) với tỷ lệ sở hữu 100% của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB); Chứng khoán Vietcombank (VCBS) với tỷ lệ sở hữu 100% của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Chứng khoán MB (MBS) với tỷ lệ sở hữu 79,7% của Ngân hàng Quân đội (MB); Chứng khoán BIDV (BSC) với tỷ lệ sở hữu 51,96% của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…
Có thể thấy, việc sở hữu các công ty chứng khoán giúp các ngân hàng dễ dàng hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính đa ngành. Các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng được cho là có lợi thế hơn về nguồn vốn (từ ngân hàng mẹ), giúp tăng cường sự hậu thuẫn về tài chính cũng như có sẵn tệp khách hàng rộng lớn.
Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán ngày càng khốc liệt khi thị phần tập trung vào một số công ty chứng khoán lớn, tài chính dồi dào, nghiệp vụ đa dạng. Thập chí có tình trạng sẵn sàng thu phí môi giới 0 đồng và đổi lại là gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ cho vay, tư vấn...
Vi phạm quy định khai báo thuế, một công ty chứng khoán bị phạt và truy thu gần nửa tỷ đồng Công ty Chứng khoán Smart Invest vừa bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu tổng số tiền 438 triệu đồng do có ... |
TCBS đóng 1.283 tỷ đồng tiền thuế năm 2023, hoàn tất nộp bổ sung 3,38 tỷ đồng Theo văn bản của Tổng cục Thuế ngày 14/06, Công ty Cổ phần chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) hoàn tất nộp bổ sung 3,38 tỷ ... |
Từ mô hình đầu tư bất động sản chia nhỏ, nhìn lại lùm xùm của Chứng khoán VPS những năm gần đây Thị phần môi giới lớn, cung cấp đa dạng nghiệp vụ chứng khoán, song đi cùng với những kết quả đó, Chứng khoán VPS cũng ... |
Lưu Lâm