Thị trường hàng hoá được hưởng lợi thế nào từ thương mại Việt Nam-Australia? Thị trường có phiên “bùng nổ”, VN-Index tăng 25,5 điểm Bộ Công Thương lấy ý kiến về quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh |
Tỷ giá chạm đỉnh
Trong những ngày gần đây, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do liên tục tăng mạnh và dồn dập lập đỉnh cao lịch sử kể từ tuần trước. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 11/3, tỷ giá VND/USD trên thị trường này đã lập kỷ lục cao mới là 25.700 đồng/USD (giá bán ra), giá mua vào thấp hơn khoảng 200 đồng. So với đầu năm, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do đã tăng khoảng 930 đồng, tương đương mức tăng gần 3,8%, từ mức 24.770 đồng/USD lên mức 25.700 đồng/USD như hiện tại.
Ngân hàng Nhà nước điều hành nhất quán chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng tạo sự hấp dẫn cho VND |
Trước diễn biến trên, trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lần đầu tiên phát hành tín phiếu trở lại trong 4 tháng. Điều này cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa, việc phát hành tín phiếu, theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, là để không tác động tới mặt bằng lãi suất. Việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước giữ được cân bằng tỷ giá. Ngay sau động thái hút ròng vừa qua, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do nhanh chóng hạ nhiệt hai phiên liên tiếp.
Tại thị trường Hà Nội, đồng USD giao dịch (mua - bán) ở quanh mức 25.359-25.591 VND/USD giảm 218 VND ở chiều mua và 42 VND chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày 12/3. Tuy nhiên, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại có chiều hướng tăng trong sáng 13/3. Cụ thể, giá USD tại Vietcombank mua vào là 24.430 đồng và bán ra là 24.800 đồng, tăng 10 VND so với phiên giao dịch ngày 12/3. Giá mua và bán USD tại các ngân hàng thương mại hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400-25.300 VND/USD.
Lý giải nguyên nhân của diễn biến bất thường trên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết VNCSI (CSI) cho rằng, tỷ giá VND/USD tăng trong thời gian gần đây một phần vì khả năng cao Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không giảm lãi suất trong kỳ họp ngày 21/3 tới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất huy động dường như đã tới giới hạn. Lãi suất cho vay cũng đang giảm nhưng sức hấp thụ vốn không mạnh như kỳ vọng. Tăng trưởng tín dụng đầu năm đang âm. Tiền trong hệ thống ngân hàng dư thừa.
Cũng phân tích về vấn đề này, báo cáo chuyên đề vĩ mô từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố cũng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ đạo. Thứ nhất, giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2/2024 thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. Trong khi đó, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng giá của tỷ giá VND/USD càng mạnh, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do. Thứ hai, dữ liệu thương mại 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy mặc dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với năm trước nhưng thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh, dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức. Thứ ba, việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.
Dù diễn biến bất thường xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng tỷ giá biến động không ngừng đang khiến các doanh nghiệp lo ngại. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10 cho biết, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều đơn hàng đã trở lại với doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2024.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, về nguyên tắc, tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD còn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên. Tuy vậy, nếu VND tiếp tục giảm giá so với USD không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài.
Điều hành tỷ giá tạo sự hấp dẫn cho VND
Nếu tỷ giá tiếp đà tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, NHNN có thể bán ra một phần ngoại tệ trong dự trữ ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Song, việc bán ngoại tệ này cũng cần phải cân đối trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế. NHNN có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng.
Quan điểm điều hành tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước điều hành nhất quán chính sách tiền tệ, tỷ giá theo hướng tạo sự hấp dẫn cho VND, kiên trì kiểm soát lạm phát để tạo niềm tin vào VND. Tỷ giá được cho phép diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để hấp thụ các cú sốc.
Do đó, trong thời gian tới, các chuyên gia dự báo, tỷ giá sẽ không gặp phải cú sốc nào lớn trong năm nay mặc dù diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc rất lớn vào động thái của Fed và các chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng của Chính phủ. Cầu ngoại tệ tăng, song nếu cung ngoại tệ vẫn được duy trì tốt nhờ các nguồn xuất khẩu, kiều hối, giải ngân vốn FDI… như thời gian qua.
Ái Nhiên