Họp báo đầu năm 2024, NHNN có thông tin trong trường hợp cần thiết để ổn định tỷ giá sẽ dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bán can thiệp. Hiện tỷ giá trung tâm của NHNN đã giảm 4,8% so với năm 2023. Dù vậy, mức mất giá này vẫn là tích cực so với nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc); Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ...
Trước thực tế tỷ giá thời gian qua có những dao động và VND mất giá so với đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, do độ mở của nền kinh tế nên việc điều hành tỷ giá lúc này rất quan trọng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá một cách hợp lý.
Phân tích nguyên nhân tác động tới tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra vấn đề ở cả trong và ngoài nước như chính sách lãi suất của FED; tình trạng giảm cầu đầu tư; chính sách bảo hộ của các nước lớn; cầu tiêu dùng của thế giới giảm; logistics vận chuyển đẩy giá thành sản phẩm cao; nguyên liệu hàng hóa của các nước bị ảnh hưởng; tâm lý lo sợ căng thẳng xung đột ở khu vực Trung Đông khiến giá vàng nhảy vọt; sự mất cân đối giữa lãi suất VND và USD...
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Hiện, NHNN đặt 2 mục tiêu là ổn định chứ không cố định tỷ giá và bảo đảm trạng thái ngoại tệ bằng 0 chứ không phải âm.
Về vấn đề này, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2024 tổ chức mới đây, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, quan điểm xuyên suốt của NHNN về chính sách tiền tệ nói chung là hạn chế những biến động quá mức của VND, cho phép tỷ giá biến động linh hoạt để hỗ trợ hấp thu các cú sốc từ bên ngoài, hướng đến ổn định tâm lý, hỗ trợ cho kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại, trong đó có xuất nhập khẩu.
Với tinh thần như vậy, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp để ổn định được thị trường ngoại tệ, hạn chế áp lực gây mất giá VND, cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá.
Bà Mai Thị Trang cũng cho rằng, điều hành tỷ giá ổn định không có nghĩa là cố định mà linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường, đặc biệt là lạm phát ở Mỹ khiến FED chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia vừa tăng lãi suất điều hành… Tất cả những yếu tố trên đều được NHNN theo dõi sát sao.
Đối với thị trường trong nước thời gian qua cũng đã có những sức ép nhất định đến tỷ giá. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, câu chuyện tỷ giá tăng hay giảm còn phụ thuộc vào những bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước.
Trong một công bố mới đây, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường & Kinh tế Toàn cầu của UOB cho rằng với kỳ vọng cắt giảm lãi suất của FED đang giảm dần, tỷ giá USD/VND có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Báo cáo cho biết, cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC) của FED mới nhất vào tháng 5 đã đưa ra nhận định rằng, trong những tháng gần đây, không có nhiều tiến triển đối với mục tiêu lạm phát 2%. Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell đã cố gắng xoa dịu nỗi lo lắng khi ông nhấn mạnh rằng chính sách đang theo hướng thắt chặt cân bằng và Fed sẽ không xem xét việc tăng lãi suất thêm nữa.
"Trong lĩnh vực ngoại hối, tác động từ chu kỳ nới lỏng của FED bắt đầu muộn hơn dự kiến đối với USD là rất rõ ràng. Gần như chắc chắn rằng đồng USD có thể sẽ tiếp tục mạnh, ít nhất là trong quý II", các chuyên gia của UOB cho hay.
Báo cáo của UOB cũng cho biết, trong tháng 4, tỷ giá USD/VND giao dịch trong nước lên mức cao mới trên 25.463 cùng xu hướng với sự mạnh lên của USD so với các đồng tiền châu Á khác. Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, UOB kỳ vọng đồng VND sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng Nhân dân tệ (CNY).
"Dự báo USD/VND cập nhật của chúng tôi là 25.600 trong quý II/2024, 25.100 trong quý III/2024, 24.800 trong quý IV/2024 và 24.600 trong quý I/2025", UOB dự báo.
Minh Nhật