Theo thông tin được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023 diễn ra sáng 11/10. VCCI cho biết, việc khó tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp; chỉ 2% doanh nghiệp được giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng giảm kỷ lục về mức 17,8%, thấp nhất trong 5 năm qua.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI cho thấy, có gần 56% doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận tín dụng, số cao nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng liên tục giảm. Năm 2022 chỉ còn 17,8% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng, thấp nhất trong 5 năm gần đây và thấp hơn cả giai đoạn dịch bệnh.
Việc khó tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp |
Nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, chỉ có 11,3% tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng. Nhóm doanh nghiệp quy mô 3-10 tỷ đồng, tỷ lệ tiếp cận vốn vay ngân hàng là 20,5%.
Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng triển khai năm 2022 qua hệ thống các ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 được nhiều doanh nghiệp ngóng chờ để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo khảo sát chỉ có 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ này.
Doanh nghiệp phản ánh khó khăn liên quan tới việc thực hiện các thủ tục hành chính. Theo khảo sát năm 2022 của VCCI, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, tăng mạnh so với năm 2021. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp năm 2022 gồm: thuế,phí; đất đai,giải phóng mặt bằng; bảo hiểm xã hội phòng cháy và xây dựng.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ là chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở An Giang khó nhận được hỗ trợ do thủ tục phức tạp, điều kiện để tiếp cận chỉ phù hợp với doanh nghiệp trung bình và lớn.
“Chính sách tốt nhưng điều kiện quá chặt, doanh nghiệp nhỏ khó thụ hưởng. Mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp An Giang cho biết.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp An Giang, qua 2 năm đại dịch, doanh nghiệp hầu như không còn tài sản để thế chấp. Trong khi đó, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận vốn, phải vay tín dụng đen, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng liên tục vì nhiên liệu xăng dầu luôn biến động khiến đầu vào tăng cao.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng thống nhất thực hiện đồng bộ các chính sách từ trên xuống dưới, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh", Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn kiến nghị.
Lãnh đạo VCCI cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có gần 900 nghìn doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng.
Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp khoảng 2-3 triệu người. Nếu tính tất cả người làm kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người.
Lãi suất huy động giảm mạnh sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng đang dư dả tiền khi khó cho vay. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Một số ngân hàng đã đưa ra nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng. Tùy từng ngân hàng và nhóm khách hàng, lãi suất khoản vay hiện hữu giảm khoảng 1% đến 2%/năm từ đầu năm tới nay. Lãi suất khoản vay cũ cũng đã có sự điều chỉnh, tuy nhiên giảm chậm hơn so với lãi suất khoản vay mới.
Đại diện một số doanh nghiệp cho hay, việc giảm lãi suất huy động và cho vay mục đích có thể là để tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Lãi suất thấp có thể khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn để đầu tư vào các dự án sản xuất, mở rộng kinh doanh và tạo ra các cơ hội mới.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy thủ tục vay vốn nhanh chóng là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo tác động tích cực của việc giảm lãi suất. Nếu thủ tục vay vốn quá phức tạp, chậm chạp hoặc gặp nhiều rào cản, thì nguy cơ các doanh nghiệp không thể nhanh chóng tận dụng lợi thế của lãi suất thấp là rất cao.
Big 4 ngân hàng đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn Nhà nước ra sao? Theo báo cáo Chính phủ đề cập đến kết quả triển khai đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng. Trong ... |
Các “ông lớn” ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất Sau khi liên tục điều chỉnh hạ lãi suất, lãi suất của 4 “ông lớn” ngân hàng này đã khá tương đương nhau, chỉ có ... |
Mai Lan (T/H)