Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam

24/11/2023 - 05:10
(Bankviet.com) Ukraine đang đề xuất xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, trứng, sữa, sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam.
Nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam giảm nhẹ trong tháng 7/2023 Thị trường nào nhập khẩu nhiều thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam? Tháng 8/2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt tăng nhẹ trở lại

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc trực tuyến giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến với Thứ trưởng Bộ Chính sách nông nghiệp và lương thực Ukraine Markiyan Dmytrasevich diễn ra chiều 23/11.

Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam
Ukraine muốn bán thịt heo, trứng, sữa vào Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin, đây là cuộc làm việc đầu tiên sau dịch Covid-19 để hai nước cùng ngồi lại thảo luận về thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, Ukraine đang đề xuất xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, trứng, sữa, sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam mong muốn xuất khẩu thủy sản, thịt heo chế biến, thịt gia cầm chế biến, trứng gia cầm các loại (tươi, sống, chế biến), mật ong sang Ukraine.

Phát triển thị trường là nhiệm vụ quan trọng trong thúc đẩy nông sản, trong đó Ukraine là một trong những thị trường quan trọng của Việt Nam.

Hiện, các nhóm hàng xuất khẩu truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Ukraine gồm thủy sản, cà phê, tiêu, điều, hàng dệt may… Ngược lại Ukraine xuất khẩu các mặt hàng chính sang Việt Nam gồm hóa chất, phân bón, ngô hạt, lúa mì.

Thương mại nông lâm thủy sản chiếm khoảng trên dưới 20% trong tổng thương mại nói chung Việt Nam - Ukraine. Theo đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu nông sản năm 2021 là 153 triệu USD, chiếm khoảng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu.

Về phía Ukraine, Thứ trưởng Markiyan Dmytrasevich mong muốn thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với Việt Nam, hai bên cùng trao đổi các sản phẩm nông sản hai bên có thế mạnh.

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, Cục Thú y đang xem xét hồ sơ đăng ký xuất khẩu thịt gia cầm và phụ phẩm gia cầm của Ukraine sau khi hoàn thành việc đánh giá nguy cơ nhập khẩu thịt heo/sản phẩm thịt heo và sản phẩm trứng.

Đối với thịt heo, sản phẩm thịt heo, Cục Thú y đã nhận được đề nghị bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu.

Cục Thú y sẽ nghiên cứu tài liệu và trả lời bằng văn bản. Đối với sản phẩm trứng, Cục Thú y đã đề nghị phía Ukraine bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Phản hồi ý kiến của Cục Thú y, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, thương mại và thông tin, bảo vệ người tiêu dùng (SSUFSCP) - bà Yulia Kostynska, mong muốn biết thêm thông tin để thúc đẩy sản phẩm thịt heo vào thị trường Việt Nam.

Cùng với đề nghị xuất khẩu gia cầm, trứng, sữa và sản phẩm trứng gia cầm, thịt heo và phụ phẩm vào Việt Nam, theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục nhận được yêu cầu mở cửa thị trường đối với quả việt quất và quả táo hồi tháng 7 vừa qua. Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi các đơn vị kỹ thuật thực hiện phân tích nguy dịch hại (PRA) đối với các mặt hàng nêu trên theo quy định.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, cơ quan thẩm quyền Ukraine mới cho phép 36 doanh nghiệp thủy sản, trong đó 10 doanh nghiệp được phép chế biến xuất khẩu cá tra vào thị trường này.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có nhiều văn bản gửi Cơ quan nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine (SSUFSCP) đề nghị bổ sung cơ sở vào danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Ukraine nhưng không nhận được phản hồi.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, mặc dù hiện nay Ukraine đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhưng cơ quan thẩm quyền nước này vẫn áp dụng một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, như chỉ số áp dụng nhập khẩu sản phẩm về an toàn thực phẩm chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

Trình tự, thủ tục kiểm tra, công nhận các doanh nghiệp vào Danh sách được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và các hướng dẫn của Ủy ban CODEX về hướng dẫn thanh tra, đánh giá, công nhận tương đương về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm giữa các quốc gia.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương